Quanh năm suốt tháng, Việt Nam đã quá quen thuộc với việc Trung Quốc liên tục hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông, khi thì hạ đặt giàn khoan trái phép, khi thì đưa nhóm tàu hải cảnh đến gần khu vực giàn khoan của Việt Nam, khi thì tập trận, khi thì rượt đuổi tàu ngư dân Việt. Mới đây, Trung Quốc tiếp tục cho hơn 200 tàu cá ra “dàn đội hình” tại khu vực đá Ba Đầu.
Từ xưa tới nay, Trung Quốc gần như chỉ dùng một chiến thuật trong binh pháp Tôn Tử để phục vụ của mưu đồ nuốt trọn Biển Đông, đó là “không đánh mà thắng mới là thượng sách”. Phương Tây gọi đây là chiến thuật “vùng xám”, tức gây hấn, đẩy căng thẳng dưới mức chiến tranh. Chiến thuật này khó chịu ở chỗ, nếu đối phương không nhẫn nhịn được, động binh trước thì ngay lập tức, Trung Quốc sẽ la làng với quốc tế như kiểu mình là nạn nhân bị ức hiếp nên phải dùng vũ lực để chống trả, từ đó chiếm luôn quyền kiểm soát biển đảo của đối phương. Và như đã biết, Philippines đã từng là nạn nhân trong chiến thuật ma quỷ này.
Việc Trung Quốc gia tăng hoạt động của 200 tàu cá tại khu vực đá Ba Đầu không nằm ngoài mục đích muốn biến vùng biển này thành nơi tranh chấp để dễ dàng chiếm hữu. Nếu như Philippines vội vàng phản pháo Trung Quốc giống như những lần trước đây thì Việt Nam lại cẩn thận quan sát động thái, cẩn trọng trong từng phát ngôn. Ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng: “Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Mặc dù đây chỉ là một phát ngôn ngắn thôi nhưng lại có sức nặng rất lớn, bởi đây chính là cơ sở để Việt Nam lên tiếng phản đối hành vi “dàn đội hình” của Trung Quốc khu vực đá Ba Đầu, xâm phạm chủ quyền biển đảo, cụ thể là đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như đã biết, đá Ba Đầu là rạn san hô, bãi đá ngầm, là thực thể lớn nhất trong cụm đảo Sinh Tồn Đông và có vị trí đặc biệt quan trọng. Nếu mất đá Ba Đầu thì đảo Sinh Tồn Đông có thể bị uy hiếp và làm thay đổi cục diện đảo trên cả quần đảo Trường Sa. Chính vì vậy, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã lên tiếng khẳng định đá Ba Đầu nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông và theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thì đá Ba Đầu là một phần lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở đảo Sinh Tồn Đông và ở đây liên tục từ 15/3/1978 đến nay. Xét theo thực trạng đó, khu vực đá Ba Đầu chắc chắn thuộc chủ quyền của Việt Nam với tư cách là phần lãnh hải của Sinh Tồn Đông. Điều đáng bàn là, để ra được lời tuyên bố sắt đá, chuẩn mực, phù hợp với luật biển quốc tế như trên thì phải nói đến nỗ lực nghiên cứu, căng não thảo luận và thống nhất của cả Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng các chuyên gia về Luật Biển trong và ngoài nước. Cuối cùng chốt hạ phương án tham mưu cho Bộ Chính trị và thành lời tuyên bố cứng rắn, khẳng định chủ quyền đối với khu vực đá Ba Đầu, đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam như báo chí đưa tin mấy ngày nay. Dù tuyên bố ngắn nhưng thông qua tiếng nói của Bộ Ngoại giao đã thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước Việt Nam, vừa khẳng định chủ quyền cho cộng đồng quốc tế biết vừa cho thấy Việt Nam không làm ngơ trước việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.
Nói về ứng xử Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”. Khôn khéo cũng là điều Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng muốn nhấn mạnh khi nói về ứng xử đối với vấn đề biển Đông: “Chúng ta phải giải quyết một cách bài bản, căn cơ, lâu dài, chiến lược, kiên định, nhưng phải có sách lược mềm dẻo, đúng đắn để giải quyết phù hợp các tình huống trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Tất nhiên trong quá trình thực hiện thì có những cái chúng ta phải xử lý theo tình hình thực tế”. Quả thực đúng như vậy, với những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua, Việt Nam đang ứng xử rất khôn khéo, có chừng mực, tuân thủ Luật pháp, Công ước quốc tế. Ngay cả khi lý lẽ thuộc về Việt Nam nhưng chúng ta vẫn ứng xử với Trung Quốc rất mềm dẻo theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”, cương nhu thích hợp, không để xảy tranh chấp theo đúng ý đồ của Trung Quốc.
Bên cạnh đó phải thừa nhận một điều rằng, ở Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia nổi bật nhất trong việc phản đối lại các hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên biển Đông, cũng như phá vỡ đi hòa bình, ổn định của vùng biển này. Nhưng cũng không dễ dàng trong việc đối phó, chế ngự Trung Quốc. Để đất nước này không có cớ tạo xung đột, chiếm giữ biển đảo của Việt Nam, đó là cả một quá trình, kiên trì đấu tranh bền bỉ trên cả mặt trận ngoại giao lẫn thực địa. Chỉ cần Việt Nam xử lý không tốt, thiếu tầm nhìn và nóng vội thì ngay lập tức phải trả giá bằng biển đảo, thậm chí là xương máu của các chiến sỹ, ngư dân đang ngày đêm phơi mình, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo chứ không phải là những lời nói khoa trương, xồn xồn lên khi Trung Quốc “oanh tạc” trên biển Đông. Trong khi chúng ta đang ăn no ngủ kỹ thì ngoài khơi, biết bao chiến sỹ và ngư dân đang làm những cột mốc chủ quyền sống. Mọi động thái của Trung Quốc ở đá Ba Đầu cũng không thoát khỏi cặp mắt tinh anh của lực lượng chấp pháp Việt Nam. Khi chúng ta ở đất liền nhận được tin thì lực lượng chấp pháp của nước ta đã bám sát, chuẩn bị đủ “đồ chơi”, sẵn sàng ứng phó với hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc từ lâu rồi. Đồng thời, khẳng định lại một lần nữa, chậm mà chắc, chúng ta không ồn ào, vội vã lên tiếng nhưng một khi đã lên tiếng thì Trung Quốc không có cớ gì để tiếp tục bành trướng được nữa. Thế nên, đừng thấy Philippines hô hoán, kêu gọi thì đã vội kết luận Việt Nam tránh né, sợ Trung Quốc nên không dám phản đối. Nhưng ngẫm lại thì chính Trung Quốc mới là nước phải sợ, họ sợ nước nói ít làm nhiều như Việt Nam hơn cả Philippines. Nói không chừng, việc đưa nhóm “tàu cá” đến khu vực đá Ba Đầu lần này, Trung Quốc muốn thăm dò và hóng hành động của Việt Nam hơn cả. Vì vậy, nhân dân ta không có gì phải lo sợ, thay vào đó hãy tỉnh táo, làm điểm tựa vững chắc cho các chiến sỹ và ngư dân của ta vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.
Đặng Trường
Theo: Hội Cờ đỏ