Suốt thời gian qua, đất nước Myanmar chìm trong chính biến, bạo loạn và khổ đau. Người dân Myanmar tràn ra đường biểu tình phản đối cuộc chính biến, xung đột đẫm máu đã nổ ra, hàng chục người đã chết các cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát. Và vừa qua, ngày 3/3, một sự việc đau lòng đã xảy ra, Kyal Sin, nữ sinh 19 tuổi, đã bị bắn chết khi tham gia biểu tình. Khi đó, cô mặc chiếc áo in dòng chữ “Everything will be OK” (Mọi thứ sẽ ổn).
Bất kỳ ai trong chúng ta đều không khỏi xót thương trước cái chết của một con người đang ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời. Nhưng với Kyal Sin, những giây phút cuối cùng của tuổi thanh xuân đó là khói lửa, máu và nước mắt. Cái chết của Kyal Sin đã chạm vào sâu thẳm trái tim của nhiều người, họ bày tỏ niềm xót thương dành cho cô bé từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Tất nhiên, bên cạnh nỗi xót thương chân thành là những hành động lợi dụng cái chết của cô gái trẻ để kích động thêm những bất ổn tại đất nước Đông Nam Á. “Giới trẻ khóc thương cho cô bé 19 tuổi…”, trang BBC News Tiếng Việt viết, kèm theo đó là những cuộc “hậu ủng” của những cá nhân với tư duy “buồn cho tuổi trẻ Việt Nam chỉ biết shopping, chưng diện không màng chính trị”. Lố bịch thay cho những kẻ đem cái chết của một công dân Myanmar – người đã trải qua những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời – ra bỡn cợt, so sánh so sánh với tuổi trẻ Việt Nam, những người đang thừa hưởng sự tốt đẹp nhất của hòa bình.
Và xin nói rằng, đau xót cho cái chết của không chỉ Kyal Sin, mà của hàng chục người dân Myanmar khác, không có nghĩa là chúng ta không thể nhìn thấy sự bế tắc của xã hội Myanmar. Từ những lời cáo buộc đến cuộc binh biến đầy bất ngờ, cho đến những chiếc xe thiết giáp tuần hành trên những con đường của Yangon, đất nước Myanmar giờ đây như sợi dây cung căng hết sức. Ngọn lửa xung đột vốn vẫn âm ỉ hàng chục năm qua, đang bùng cháy chực chờ thiêu rụi tất cả. Và ngay lúc này, mọi hành động, bất kể từ phía bên nào, sẽ chỉ như dầu đổ vào ngọn lửa ấy. Những cuộc tuần hành, xuống đường cũng vậy, những gì chúng đem lại ngay trước mắt, có lẽ sẽ chỉ là những vụ bạo lực, như đã xảy ra với Kyal Sin… Quả thật, ngay trong dư luận các nước, người ta đã không ngừng tự hỏi, “Họ [những người biểu tình] đang dấn thân vì điều gì? Phải chăng là dấn thân để tìm cái chết?”
Làm cách nào để dập tắt ngọn lửa xung đột tại Myanmar, đến nay vẫn chưa có lời giải. Nhưng hiển nhiên nó không nằm trong cái quang cảnh ngoại kiều Myanmmar quỳ gối trên đường cầu xin các nước can thiệp, và chắc chắn lời giải đó không nằm trong những cuộc biểu tình. Hành động của hàng ngàn người dân Myanmar, có thể thấy, không khác với những gì đã xảy ra 2 năm trước tại đặc khu kinh tế Hồng Kông, nơi đã diễn ra phong trào Dù Vàng…
Năm 2019, đặc khu kinh tế Hồng Kông rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có, người dân Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ, tràn ra đường biểu tình, mà điển hình trong đó là phong trào Dù Vàng, trở thành “biểu tượng” trong các cuộc xung đột. Sau suốt hơn một năm với hàng chục cuộc biểu tình, mà đỉnh điểm đã trở thành bạo động, bạo lực, tiếng nói của người dân Hồng Kông ngày một suy yếu. Các nhà làm luật và chính quyền Hồng Kông ngày một yếu thế trong nghị trường Trung Quốc, quyền tự chủ càng lúc càng trở nên hạn hẹp. Cuộc chính biến đã biến những nỗ lực duy trì sự ổn định chính trị và kinh tế của chính quyền đặc khu suốt hơn 20 năm qua “đổ sông đổ biển”.
Trở lại với vấn đề Myanmar, thời điểm hiện tại không ít các trang mạng, cũng với mô-tuýp “ủng hộ biểu tình” như đã làm tại Hồng Kông, đã liên tục cổ súy, kích động người dân Việt Nam. Và nếu suy theo mô-tuýp của Dù Vàng, thì điều chắc chắn, “bước đi” tiếp theo của chúng sẽ không là gì khác ngoài trò lố “kêu gọi biểu tình”: lợi dụng các vấn đề của xã hội, khoác lên chiếc áo “ủng hộ” và kêu gọi người dân ra đường để “rước” những bất ổn, xung đột của đất nước láng giềng đem về Việt Nam. Một hành động “cõng rắn cắn gà nhà”, theo cách mà ông bà ta vẫn gọi.
Và ngược lại, không ít người dân Myanmar đã và đang bị kích động bởi chính những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” như BBC News Tiếng Việt, RFA Đài Á Châu Tự do… bài xích, tẩy chay hàng hóa Việt Nam, dịch vụ liên quan đến Việt Nam. Liệu mai đây, nếu sự kích động vẫn tiếp diễn, thì người Việt Nam liệu có được an toàn trên lãnh thổ đất nước Myanmar? Hay cho những kẻ luôn miệng “vì nhân dân Việt Nam”, nhưng nhất nhất cử chỉ, hành động đều chỉ mang lại sự phương hại cho Tổ quốc…
Nếu thực sự muốn thông điệp “Everything will be OK” của Kyal Sin trở thành hiện thực, để cái chết của cô bé và hàng chục người dân Myanmar không trở nên vô nghĩa, thì những kẻ đang khoác 2 chiếc áo “vì Myanmar” và “vì Việt Nam” nên ngừng lại mà suy nghĩ về những hành động hủy hoại cùng lúc cả 2 dân tộc chúng tôi.
Hạnh Văn
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Theo: Hội Cờ đỏ