Xã hội càng phát triển, điều kiện kinh tế cũng trở nên dư giả hơn thì con người cũng dần quan tâm nhiều hơn về lễ bái, cầu cúng theo đúng câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Trước đây, rằm tháng 7, việc hóa vàng cho người đã khuất cũng chỉ gói gọn mấy vật dụng nho nhỏ như áo, nó, giầy, dép, nhưng nhiều năm qua, nhìn khối lượng lễ vật mà con cháu gửi gắm cho người đã khuất thể hiện rõ tính thực dụng của xã hội theo câu “trần sao âm vậy”, ai cũng có nhà lầu, xe hơi, điện thoại sang…, tiền vàng thì nhận không xuể. Có lẽ ở dưới âm phủ cuộc sống của các vong linh còn gấp bội con cháu nơi trần gian.
Lạm bàn về chuyện này, đầu năm vừa qua, cư dân mạng cũng xôn xao đủ chuyện liên quan đến việc làm thể nào để thể hiện cái “tâm” của mình với các đấng thần linh, đấng tôn thờ khi tình hình dịch bệnh không thể đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo một cách thoải mái, thậm chí như ở Hà Nội và một số tỉnh thành còn yêu cầu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid 10.
Nhưng đúng là cái “khó bó cái khôn”, trong thời đại công nghệ 4.0 đã giúp con người rất nhiều điều trong cuộc sống và vấn đề tâm linh cũng nhờ đó mà tiện lợi hơn để người dân thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng mang tính hai mặt, và mặt trái của vấn đề này đó là tạo cơ hội để kẻ xấu lợi dụng và trục lợi từ lòng tin của con người.
Vấn đề này không còn mới mẻ vì đã nhiều lần vạch trần trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng do quá tin đến mức mê muội, nên nhiều người vẫn sa bẫy những đối tượng xấu chỉ vì họ tâm niệm một điều là làm sao để mang điều tốt lành cho gia đình va bản thân. Điều đó cũng chính là mặt trái của niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo khi có nhiều người không còn phân biệt được thật giả lẫn lộn, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng thì ngày càng tinh vi, để rồi họ nhận được gì ngoài hai chữ “lừa lọc”.
Điển hình như gần đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những kiểu biến tường lừa đảo này ngay trên mạng xã hội. Chỉ cần vào mục tìm kiếm trên facebook hoặc zalo tài khoản “Ngọc Hân” thì ngay lập tức hiện ra vô số những tài khoàn hình cô gái trẻ xin đẹp được cho rằng đó là một “cô gái” được ăn lộc Thánh và có khả năng đoán được vận mệnh và giải nghiệp chướng.
Cô gái được cho là cô đồng Ngọc Hân nổi tiếng ở Ninh Bình
Dù không có cơ sở nào để tin cậy ngoài một loạt hình ảnh về những tin nhắn được cô “Ngọc Hân” giải nghiệp, cầu tài, cầu lộc do những kẻ lừa đảo tạo dựng nhằm tạo uy tín, nhưng nhiều người đã sa bẫy các đối tượng này. Họ thường lập những tài khoản mạng xã hội giả rồi lấy danh nghĩa là người nhà chùa, dùng thủ đoạn bói toán, tâm linh để người dân hoang mang, lo lắng và dễ sa vào lời chào mời của chúng.
Từ những lời dụ dỗ, sự cả tin và một niềm tin vào tâm linh rằng bản thân và gia đình sẽ được thần linh che chở, phù hộ chỉ thông qua những vật phẩm tượng trưng, tai ương thì chưa thấy đâu nhưng mất tiền đúng là vận hạn nhìn thấy rõ.
Lòng tốt cùng với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn và bình an đến với bản thân và gia đình, nhưng sự cả tin và thiếu thận trọng chính điều đó đã trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xấu lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội.
Hàng nghìn tài khoản giả mạo đã được lập ra với mục tiêu “không con cá nào bị lọt lưới”, và với niềm tin tâm linh của người dân, trong những năm qua, hàng nghìn người đã trở thành miếng mồi ngon béo bở cho các đối tượng này lừa đảo. Nhà chùa cũng chỉ biết giải thích khi có ý kiến phản ánh tới, còn thanh danh của chùa và các trụ trì thì hàng ngày, hàng giờ vẫn bị lợi dụng để bị trục lợi bất chính.
Nhưng sự ma mãnh của các đối tượng này còn có sự tính toán rất kỹ lương khi họ chỉ yêu cầu người có nhu cầu cúng tiến từ 500.000đ đến 1.500.000đ, đây là số tiền an toàn để các đối tượng không bị xử lý hình sự nếu bị cơ quan chức năng bắt quả tang.
Tuy nhiên, nếu chứng minh được họ lừa đảo thì theo điều 174 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: nếu mức tiền lừa đảo dưới 2 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính thì vẫn bị truy tố hình sự theo quy định của pháp luật. Theo điều 175 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: nếu hành vi chiếm đoạt từ 4 triệu trở lên thì sẽ bị khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật.
Thế những tất cả những người chuyển khoản để các đối tượng cúng online đều là tự nguyện do họ không biết mình bị lừa nên rất khó xác định hành vi để xử lý trước pháp luật. Chính vì thế, để ngăn chặn những tệ nạn xã hội ăn chặn tiền của nhân dân thông qua hình thức “lừa đảo” tâm linh, ngoài nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước thì mọi người dân hãy luôn nêu cao cảnh giác, đừng để vấn đề tâm linh mù quáng che lấp đi lý trí, để rồi vô tình làm giàu cho những kẻ lừa đảo ma ranh.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ
Theo: Hội Cờ đỏ