Nhiều ý kiến quốc tế ca ngợi Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, khi ông lên án vụ chính biến ở quê nhà và khẩn cầu quốc tế hành động để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ.
Hàng loạt tiếng vỗ tay vang lên sau bài phát biểu đầy cảm xúc của Đại sứ Kyaw Moe Tun, trước các nhà ngoại giao từ 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc (LHQ), hôm 26/2.
“Đã đến lúc quân đội (Myanmar) phải lập tức từ bỏ quyền lực và thả những người bị bắt”, ông nói, đồng thời khẳng định “chính biến quân sự là chuyện không thể chấp nhận trong thế giới hiện đại này. Việc này phải chấm dứt”, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho một chính phủ của dân, do dân và vì dân”, ông Kyaw Moe Tun tuyên bố trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ.
Kêu gọi chấm dứt bạo lựcBài phát biểu dài hơn 12 phút không chỉ nhận được những tràng pháo tay mà cả sự tán dương của những người phát biểu sau đó, bao gồm các đại sứ của Mỹ và một số nước châu Âu, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng lên tiếng ca ngợi trên Twitter.
Đại sứ Kyaw Moe Tun mở đầu bài phát biểu bằng việc tái khẳng định “tôi là đại diện của chính phủ dân sự do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) dẫn dắt, được chính người dân Myanmar bầu lên”.
Bài phát biểu của Đại sứ Kyaw Moe Tun cũng chuyển thông điệp của CRPH, nhóm quy tụ các nghị sĩ Myanmar từ sau vụ binh biến, để lên án hành động của quân đội nước này; kêu gọi LHQ, Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế “sử dụng bất kỳ cách thức cần thiết nào để hành động chống lại quân đội Myanmar và đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân Myanmar”.
Ông Kyaw Moe Tun tiếp tục với bài phát biểu cá nhân, trong đó kêu gọi các thành viên LHQ thực hiện 6 việc, bao gồm “áp dụng mọi biện pháp mạnh mẽ nhất có thể để chấm dứt bạo lực” chống lại người biểu tình ở Myanmar.
“Chúng tôi cần những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để lập tức chấm dứt chính biến, chấm dứt tấn công người vô tội, giao lại quyền lực cho người dân, và khôi phục nền dân chủ”, ông nói.
Tân Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield ca ngợi bài phát biểu “dũng cảm” của ông Kyaw Moe Tun. Bà nói Mỹ sẽ tiếp tục lên án việc lực lượng an ninh giết hại người biểu tình phi vũ trang.
Bà cũng nhắc lại lời cảnh báo của Tổng thống Joe Biden rằng “chúng tôi sẽ cho quân đội Myanmar thấy hành động của họ sẽ dẫn đến hậu quả” và yêu cầu quân đội “ngay lập tức từ bỏ quyền lực”.
“Dũng cảm và mạnh mẽ”Trong một tweet sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói “Mỹ tán dương tuyên bố dũng cảm và rõ ràng” của Đại sứ Kyaw Moe Tun, “và của những người ở Myanmar đang cất lên tiếng nói của họ”.
Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward cũng ca ngợi bài phát biểu “dũng cảm và mạnh mẽ” của Đại sứ Kyaw Moe Tun.
“Chúng tôi đứng về phía người dân Myanmar chống lại vụ chính biến”, bà nói trên Twitter, đăng tấm hình ông Kyaw Moe Tun giơ ba ngón tay khi kết thúc phần trình bày.
Việc giơ ba ngón tay trở thành hành động biểu tượng của người biểu tình chống chính quyền quân sự đang diễn ra tại Myanmar. Phong trào đến nay chủ yếu diễn ra trong hòa bình, nhưng cảnh sát bị cáo buộc sử dụng vũ lực làm ít nhất 6 người biểu tình thiệt mạng.
Phát biểu của ông Kyaw Moe Tun – đi ngược lại lập trường của những người đang nắm quyền tại một quốc gia – là rất hiếm, theo AFP.
Laetitia van den Assum, một cựu đại sứ Hà Lan và từng là thành viên Ủy ban Cố vấn vấn đề Rakhine, nói hành động của Đại sứ Kyaw Moe Tun sẽ đưa vấn đề ở Myanmar đến một giai đoạn mới, theo Nikkei Asia.
“Nếu chính quyền quân sự muốn thu hồi bổ nhiệm đại sứ, và chỉ định một người đại diện mới, thì các thành viên Liên Hợp Quốc sẽ bị buộc phải ra quyết định”, bà nói.
Ông Kyaw Moe Tun trở thành đại diện thường trực của Myanmar tại LHQ từ tháng 10/2020, theo thông tin đăng trên website của LHQ.
Trước đó, ông là đại diện thường trực tại Văn phòng LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cũng như Hội nghị Giải trừ quân bị, từ năm 2018. Ông đồng thời là đại sứ tại Thụy Sĩ, cũng như đại diện thường trực Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW).
Giai đoạn 2016-2018, ông là vụ trưởng phụ trách các tổ chức quốc tế và phát triển kinh tế tại Bộ Ngoại giao Myanmar.
Từ năm 1993 đến năm 2015, ông đảm nhiệm nhiều vị trí trong chính phủ ở Naypyidaw và tại thành phố Yangon, cũng như các vị trí ngoại giao ở Indonesia, Singapore, Thụy Sĩ và Mỹ.
Sinh năm 1969, ông Kyaw Moe Tun có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc tế Nhật Bản và bằng cử nhân quan hệ quốc tế tại Đại học Yangon. Ông đã kết hôn và có hai con.
Đông Phong/ ZingNews
Theo: Cánh cò