“Danh bất chính thì ngôn bất thuận”, đó là câu nói mà cha ông ta đã đúc kết từ kinh nghiệm bao đời. Với Việt Tân, bất chấp thực tế rằng bản thân là một tổ chức không được thừa nhận, có nhiều hoạt động chống phá Việt Nam nhưng lại luôn tự tô vẽ cho mình một bộ mặt “nhân đạo” để lừa lọc nhân dân.
Vấn đề chính biến tại Myanmar đang trở thành một miếng bánh béo bở để Việt Tân cùng một số cá nhân, tổ chức chống phá, cơ hội chính trị lợi dụng, “chấm mút” để làm cái cớ công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Việt Tân đang rêu rao bản thân và hơn 30 tổ chức gửi thư đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi lệnh áp đặt cấm vận vũ khí đối với Myanmar. Không rõ, Việt Tân lấy danh nghĩa gì để ký tên kêu gọi lệnh áp đặt cấm vận vũ khí với quốc gia khác, trong khi đó, chính bản thân Việt Tân đã bị tố cáo, chỉ rõ là tổ chức khủng bố với đầy đủ bằng chứng trong suốt quá trình tồn tại của tổ chức này.
Danh bất chính, ngôn bất thuận
Những căng thẳng chính trị tại Myanmar đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, khi một số quốc gia đã thể hiện quan điểm của mình. Nhìn chung, tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế là đề nghị các bên liên quan tại Myanmar giải quyết các mâu thuẫn bằng phương thức hòa bình, bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, thúc đẩy nền dân chủ của đất nước.
Ngay từ khi cuộc chính biến tại Myanmar nổ ra, Việt Tân và một số đối tượng chống phá, cơ hội chính trị người Việt đã tích cực lợi dụng vụ việc, xuyên tạc thông tin, hướng lái bản chất vấn đề để tạo cớ can thiệp, tấn công, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều bài viết, bình luận đã được các đối tượng tung ra với nội dung hết sức lệch lạc.
Trong một bài viết với tiêu đề “Thấy gì từ hai cuộc bầu cử tại Miến Điện và Hoa Kỳ” của Chân Trời Mới Media, các đối tượng đã rêu rao những lời bóp méo lố bịch đối với lịch sử, cùng sự quy chụp tình hình bất ổn tại Myanmar với sự lãnh đạo của Đảng tại Việt Nam. Hay như gần nhất, Việt Tân rêu rao đã cùng hơn 130 tổ chức phi chính phủ đến từ 31 quốc gia đã cùng ký tên trong một kiến nghị thư kêu gọi Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khẩn cấp áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để đối phó với cuộc đảo chính quân sự và để ngăn chặn chính quyền tiếp tục hành vi đàn áp những người biểu tình. Thực sự nực cười. Chính bản thân Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Theo thông báo của Bộ Công an Việt Nam, hiện nay, Việt Tân vẫn tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin; chỉ dẫn phương thức hoạt động khủng bố, phá hoại, chế tạo bom xăng, ám sát… Đồng thời, nhiều thành viên của Việt Tân đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý về hình sự do đã thực hiện hành vi phạm tội. Vậy căn cứ nào, cơ sở nào để Việt Tân đi “đòi dân chủ” cho Myanmar?
Tấm áo không làm nên thầy tu
Thực tế, Việt Tân không ít lần núp bóng “tổ chức phi chính phủ” để gửi các văn bản, kiến nghị, đề nghị, tờ trình v.v… đến các cơ quan quốc tế. Dĩ nhiên, sau những lần hành động như trên, Việt Tân không quên tiến hành PR, quảng cáo, truyền bá, tô vẽ hình ảnh của bản thân. Đằng sau những bản kiến nghị tưởng chừng như đầy tính nhân văn, nhân đạo thực tế chỉ là một hành động để đánh bóng tên tuổi, tạo ra sự lầm tưởng của người dân về vị thế, tính chính danh của Việt Tân trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, dù tô vẽ thế nào, dù khoác nên mình vỏ bọc “thúc đẩy dân chủ, nhân quyền” thì nó cũng không thể nào tẩy trắng được bản chất chống phá, khủng bố của Việt Tân.
Những giá trị dân chủ, nhân quyền là những giá trị chung được cộng đồng quốc tế công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, những hành động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá, công kích thể chế chính trị tại bất kỳ quốc gia nào đều là điều không thể chấp nhận. Các giá trị dân chủ, nhân quyền phải được giải quyết một cách hài hòa với lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo nên một sức mạnh tổng hợp để củng cố tiềm lực quốc gia.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Theo: Hội Cờ đỏ