Saturday, November 23, 2024

Cuộc trở về của Bùi Thanh Tâm

Tôi ngồi với Tâm ở căn phòng nhỏ trong khu tập thể Nam Đồng, nơi Tâm luôn muốn trở về tĩnh lặng để làm việc. Ngôi nhà khá chật chội, ngổn ngang những tranh và các mảng màu. Nhưng lạ là, dù cuộc sống đã thuộc hàng giàu có thì Tâm vẫn muốn giữ lại ngôi nhà này để vẽ. Những ý tưởng, những sáng tạo mới và những bức tranh với giá cao ngất ngưởng của Tâm đều ra đời từ chính không gian đầy hoài niệm này.

1. Phải 10 năm, sau triển lãm đầu tiên ở Hà Nội, Bùi Thanh Tâm mới trở về, sau một hành trình dài ra đi. Sự trở về của Tâm đúng theo cả hai nghĩa, về mặt địa lý, Hà Nội là nơi Tâm sống và gắn bó, nơi 10 năm trước Tâm có triển lãm đầu tiên. Nhưng có lẽ, sự trở về ý nghĩa hơn, đó chính là hành trình về với tâm thức của mình, trong việc nhận diện những giá trị của văn hóa truyền thống và đưa nó vào một không gian mới. Bùi Thanh Tâm, sau hành trình miệt mài ra nước ngoài, có mặt trong nhiều triển lãm, hội chợ lớn nhỏ trên thế giới, thể nghiệm những ngôn ngữ đương đại lại quay trở về với dân gian, truyền thống.

Nhưng truyền thống trong tranh của Tâm không đơn giản chỉ là sự hoài niệm hay niềm khích lệ cho sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa. “Những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng (còn gọi là tranh đồ họa in khắc) hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc… đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa Việt, trở thành những biểu tượng văn hoá dân gian của người Việt. Tôi, một họa sĩ Việt, thực hành việc chắp ghép tất cả những tinh tuý, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào “một định dạng mới” trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt” – Tâm chia sẻ.

Cuộc trở về của Bùi Thanh Tâm

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm

Lần đầu tiên, những vẻ đẹp nguyên bản của tranh dân gian được đưa vào một không gian mới một cách trang trọng và rực rỡ. Những vẻ đẹp từ quá khứ ấy không chỉ kể cho chúng ta câu chuyện của quá khứ mà còn mang nhiều thông điệp hôm nay, về chiến tranh, về tình yêu và khao khát sự tự do, hòa bình. Nhiều người tò mò, vì sao Tâm đang nổi tiếng với dòng tranh về những cô gái kỳ dị, có đôi mắt mở to, tranh bán thuộc hàng đắt nhất hiện nay lại rẽ ngoặt sang một phong cách khác. Tâm cười, nếu chọn an toàn, Tâm cứ vẽ những cô gái và bán, Tâm vẫn sống khỏe và vẫn có một cái tên Bùi Thanh Tâm lừng lững trong hội họa đương đại.

Nhưng người nghệ sĩ luôn khát khao chạm tới những vẻ đẹp và khám phá chính mình trong Tâm không chịu an phận. Tâm muốn biến những thứ mình đang quan tâm thành nghệ thuật. Thời điểm này, điều anh quan tâm chính là văn hóa truyền thống và dòng tranh dân gian. Đã có nhiều thử nghiệm, nhiều cuộc lội ngược dòng trở về quá khứ của các nghệ sĩ hiện nay, nhưng Bùi Thanh Tâm chọn một hướng đi mới. Đó là cách thực hành nghệ thuật.

Cảm hứng chất liệu dân gian trong “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind) gợi nhớ đến câu chuyện của những hình ảnh đại chúng quen thuộc trong đời sống người Mỹ được họa sĩ Andy Warhol – cha đẻ của trường phái Pop Art kể lại bằng thủ pháp in ấn (đồ họa), những tác phẩm mang dấu ấn đặc biệt, ám ảnh toàn thế giới trong những năm 60 của thế kỷ trước. Hay Takashi Murakami đem những hình tượng nghệ thuật văn hóa cổ, tranh khắc gỗ Nhật Bản – một sự tiêu biểu của tranh đồ họa (in khắc) nổi tiếng thế giới – thực hành trên máy tính bằng công nghệ đồ họa số, và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hàng đầu thế giới, chuyển biến song song cùng nghệ thuật Á và Âu từ thế kỷ 20 đến nay. Tâm thừa nhận mình kế thừa và phát triển. Nỗi lo sợ văn hóa truyền thống sẽ bị nuốt chửng trước sự phát triển ồn ào của đời sống, của những xu hướng, những trường phái thôi thúc Tâm thực hiện dự án này.

Đó là một thách thức và cũng là một cơ hội. Và người nghệ sĩ luôn tìm kiếm điều đó trong hành trình khám phá chính mình. Nhà giám tuyển, phê bình nghệ thuật Như Huy đánh giá: “Cái thế giới mà Bùi Thanh Tâm đem lại có vẻ là một thế giới mà chiều sâu và bề mặt không còn ranh giới. Về bản chất, cấu trúc là một cấu trúc siêu bề mặt. Nó không phải là bề mặt chỉ có một chiều sâu bên dưới. Thực tế, dưới các bề mặt không phải là chiều sâu, mà chỉ là một hay nhiều bề mặt khác. Các bề mặt chồng lên nhau. Giữa bề mặt này và bề mặt kia không có bất kỳ quan hệ gì về mặt nghĩa. Mỗi bề mặt là một thế giới/ cõi sống/ trò chơi riêng biệt. Chúng tồn tại độc lập trong không gian vô tận”. Còn tôi và có lẽ, bất kỳ người Việt Nam nào khi ngắm nhìn thế giới của Bùi Thanh Tâm đều có một cảm giác bình yên trở về, trở về với nguồn cội của chính mình.

2. Bùi Thanh Tâm luôn định dạng mình một cách chỉn chu và khá “hộp” với sơ mi, vest. Trông anh ra dáng một công chức hơn là một nghệ sĩ theo cách nhìn của đại chúng người Việt. Hình dáng ấy của anh cũng chẳng giống ai ở cái lò Mỹ thuật Yết Kiêu. Nhiều người tò mò, sao nghệ sĩ mà không thấy “chất nghệ” đâu. Tâm cười, mọi thứ hình thức đều vô nghĩa khi ai đó cứ cố tỏ ra mình là ai. Tâm làm việc chỉn chu và miệt mài, nếu không nói là khổ luyện. Hội họa đến với Bùi Thanh Tâm như là số phận. Tâm thích vẽ từ bé nhưng chỉ với một ước vọng mà anh cho rằng “rất tầm thường”, sẽ được gặp nhiều cô gái đẹp. Bố mẹ cho Tâm đi học võ vì thể trạng yếu, rồi Tâm làm huấn luyện viên đi dạy võ cho các câu lạc bộ.

Cuộc trở về của Bùi Thanh Tâm

Tác phẩm “Cõi nhân gian” của Bùi Thanh Tâm

Lớn lên, bố mẹ chuẩn bị sẵn cho anh một công việc ổn định ở quê Thái Bình, quản lý một công ty dược, nhưng ngay từ những ngày còn trẻ đó, Tâm đã không chịu  an phận vào cuộc sống bó hẹp ở làng quê. Tâm một mình lên Hà Nội, tự kiếm sống bằng đủ mọi nghề và thi vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Cuộc sống mưu sinh quăng quật ở Hà Nội, gia đình cắt viện trợ, Tâm phải làm đủ việc kiếm sống, đi chép tranh, vẽ minh họa cho Báo Hà Nội mới, vẽ chân dung kiếm tiền, rồi  lang thang ra Nguyễn Xí mua sách đọc. Thi đến lần thứ 3, Tâm mới đậu vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Cái sự học của Tâm cũng “nổi tiếng” cả trường vì anh rất ít khi đến lớp. Đêm đến, Tâm ăn lương vệ sĩ bảo vệ các người đẹp đi bar.

Bạn bè gọi Tâm là “thiểu năng về hình họa” vì chẳng mấy khi Tâm vẽ, hoặc vẽ xấu quá. Thế nhưng, cái anh chàng bị bạn bè gọi là “thiểu năng hình họa” ấy đã có tranh bán mấy ngàn đô ngay từ thời sinh viên và bức tranh tốt nghiệp của anh vẫn được trang trọng treo trong khu truyền thống của trường như một niềm tự hào. Chính những năm tháng quăng quật với đời sống đã cho Tâm vốn sống để sáng tạo và đi một lối đi riêng của mình. Nhưng dù hiện đại, đương đại hay là gì đi chăng nữa, thì sự kết nối trong tranh của Bùi Thanh Tâm chính là câu chuyện văn hóa, sự va đập về văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.

Tâm chia sẻ: “Khi tôi đi làm vệ sĩ, tôi bị ám ảnh bởi những đôi mắt to, những gương mặt trắng bệch của lối sống thác loạn, tôi nghĩ đến giới trẻ và sự biến mất của văn hóa. Văn hóa của chúng ta sẽ mất đi vì giới trẻ chỉ có ăn chơi, mà không được tiếp cận với các giá trị truyền thống. Rồi sau này, khi làm bộ tranh “Không có gì ở đằng sau” tôi lo sợ, khi nghệ thuật của chúng ta va đập với những ngôn ngữ trừu tượng mới và cách vận hành nghệ thuật mới của thế giới thì chúng ta không còn nhìn thấy văn hóa bản địa của Việt Nam như thế nào. Tôi làm say mê vì muốn giới thiệu với thế giới rằng, ở một vùng rất bé nhỏ của khu vực Đông Nam Á, có một dòng tranh dân gian đáng yêu, đặc sắc và người nghệ sĩ biết sử dụng tinh hoa đó vào tranh đương đại. Tôi muốn nhắc nhở rằng, chúng ta luôn phải gìn giữ văn hóa truyền thống”.

Tâm đang tiếp tục hành trình, khám phá những vẻ đẹp của tranh dân gian để mang vào không gian mới của mình. Ra đi để trở về và trở về để ra đi, đó là hành trình của những nghệ sĩ lớn trên thế giới. Bùi Thanh Tâm và giấc mơ mang văn hóa Việt Nam ra thế giới theo cách riêng của mình chắc hẳn sẽ còn nhiều va đập, khó khăn, nhưng tôi tin với tài năng ấy, tâm hồn ấy và sự sáng tạo ấy, Tâm sẽ hoàn thành sứ mệnh của một nghệ sĩ, giới thiệu với thế giới biết rằng, có một vùng văn hóa giàu bản sắc như Việt Nam đang tồn tại. Đó cũng là cách người nghệ sĩ định vị mình, tôi là ai, tôi đến từ đâu khi đi ra thế giới.

Việt Hà Linh

Theo  CAND

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG