Việc đình chỉ vụ án, không cần thiết mở phiên tòa xét xử Phú Lê cùng đàn em vì gia đình bị hại rút đơn là đúng quy định pháp luật.
Trưa 12.12, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Tòa án nhân dân H.Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, phiên tòa xét xử Lê Văn Phú (tức Phú Lê, 40 tuổi, quê tại Yên Bái) và đàn em Hoàng Văn Thụ (24 tuổi, quê tại Yên Bái), Trần Văn Tư (32 tuổi, quê tại Thái Bình) về tội cố ý gây thương tích, dự kiến mở vào 15.12 tới sẽ không diễn ra, vì gia đình bị hại đã rút đơn yêu cầu khởi tố.
Phú Lê tại cơ quan điều tra (ẢNH TRẦN CƯỜNG)
Ngoài việc đình chỉ xét xử, các cơ quan tố tụng cũng đã ra quyết định đình chỉ vụ án và trả tự do cho Phú Lê và đàn em.
Lực lượng chức năng lấy lời khai của Phú Lê (ẢNH TRẦN CƯỜNG)
Trước thông tin này, nhiều người đặt ra câu hỏi việc trả tự do, không mở phiên sơ thẩm xét xử Phú Lê và đàn em của cơ quan tố tụng H.Đan Phượng liệu có đúng với quy định pháp luật?
Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, việc đình chỉ vụ án này thực hiện đúng theo quy định pháp luật tố tụng hình sự. Đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại khoản 1 điều 155 bộ luật tố tụng Hình sự 2015, theo đó, Phú Lê cùng đàn em bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo khoản 1 điều 134 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Trần Văn Tư tại cơ quan điều tra (ẢNH TRẦN CƯỜNG)
Ngoài ra, khoản 2 điều 155 bộ luật tố tụng Hình sự 2015 chỉ rõ, trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Đồng thời, theo Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26.11.2018 của TAND Tối cao, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào điều 45, điểm a khoản 1 điều 282 của bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án.
Trong vụ án này, mặc dù thời điểm mở phiên tòa đã được ấn định vào ngày 15.12, nhưng theo quy định trên, thẩm phán phải ra quyết định đình chỉ vụ án, phiên tòa sẽ không cần thiết được mở ra. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn, tránh làm mất thời gian của những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Theo cáo trạng truy tố, Lã Thúy Kiều (35 tuổi, quê tại H.Bình Lục, Hà Nam; vợ của Phú Lê) có mâu thuẫn cá nhân với chị Trần Thị Đào (tức Đào Chile, 30 tuổi, trú xã Hồng Hà, H.Đan Phượng). Để “đòi lại lẽ phải” cho vợ, Phú Lê đã kêu gọi đàn em ở khắp nơi tìm kiếm, “xử lý” Đào Chile, nhưng bất thành.
Tối 2.8, Phú Lê tụ tập nhóm đàn em ăn uống tại khu vực hồ Đền Lừ (Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Tại đây, Phú Lê đã bàn bạc về việc đến tận nhà để đánh người thân Đào Chile với mục đích dằn mặt, và giao cho Thụy cùng Trần Văn Tư (32 tuổi, quê H.Quỳnh Phụ, Thái Bình) thực hiện.
Camera an ninh ghi lại hình ảnh đàn em Phú Lê vào hành hung mẹ và dì ruột “hot girl” Đào Chile (ẢNH TRẦN CƯỜNG)
Sáng 3.8, Thụy và Tư đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang kín mặt, điều khiển xe máy về nhà Đào Chile tại cụm 9 (xã Hồng Hà, H.Đan Phượng) để gây án. Trên đường đi, 2 đối tượng đã mua tuýp sắt làm hung khí tại một cửa hàng bán vật liệu xây dựng.
Đến nhà Đào Chile, thấy bà Nguyễn Thị Nga (69 tuổi, mẹ Đào Chile) và bà Nguyễn Thị Bé (67 tuổi, em gái bà Nga) đang ở nhà, Thụy và Tư đã dùng tuýp sắt đánh 2 nạn nhân. Gây án xong, các nghi phạm bỏ chạy theo đường đê sông Hồng, hướng về Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Trên đường đi, 2 đối tượng cởi áo chống nắng và vứt hung khí nhằm phi tang.
Trần Cường (Thanhnien.vn)