Ông Phạm Phú Quốc đã gửi đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội, thôi chức Tổng giám đốc IPC, sau khi lộ thông tin có 2 quốc tịch, gồm Việt Nam và Cyprus.
Thông tin được ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM cho biết tại buổi họp báo về việc đại biểu Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch, chiều 1/9. Theo ông Từ Lương, ông Quốc gửi đơn xin thôi nhiệm vụ vào ngày 25/8, sau hai ngày lộ thông tin có hai quốc tịch, và ngày 27/8 gửi giải trình.
Ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND thành phố cho biết, TP HCM đã thống nhất hướng xử lý như sau: Ngay trong tuần đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sẽ họp và gửi văn bản báo cáo Quốc hội để xem xét bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Quốc.
Về mặt Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ làm việc với ông Quốc để xử lý trong tháng 9. Ngay trong tuần này, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố để đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) của ông Quốc. Đồng thời làm rõ trách nhiệm ông Quốc khi làm việc tại Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) và IPC trước khi cho thôi việc theo đơn.
Theo ông Thắng, khi các cơ quan chức năng của TP HCM giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2016, ông Quốc có đầy đủ tiêu chuẩn ứng cử theo quy định Quốc hội. Đến tháng 2/2018, ông Quốc có quốc tịch Cyprus nhưng không khai báo là “thiếu gương mẫu, không trung thực, không chấp hành quy định của Đảng”.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cho rằng “đây là điều đáng tiếc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố”. Trong đơn, ông Quốc nói rằng “quốc tịch Cyprus do gia đình bảo lãnh, thông tin mua quốc tịch 2,5 triệu USD không chính xác”.
Trả lời việc thành phố có chậm trễ trong việc giải quyết hay không, ông Khuê cho biết không phải thành phố thoái thác mà do thông tin ban đầu trên báo mạng nên phải hết sức thận trọng. Cơ quan chức năng thành phố phải báo cáo cơ quan cấp trên, vừa phối kiểm để có bước tiếp theo cho quá trình xem xét.
Phóng viên đặt câu hỏi quy trình bổ nhiệm ông Quốc làm Tổng giám đốc IPC vào tháng 12/2019 có sai sót hay không bởi lúc này ông Quốc đang bị xem xét xử lý kỷ luật Đảng do một số sai phạm khi làm Tổng giám đốc HFIC. Ông Khuê cho biết Ban cán sự Đảng UBND TP đang giao Sở Nội vụ cập nhật chi tiết khoảng thời gian này để xem đã thực hiện quy trình bổ nhiệm đã chặt chẽ chưa.
Ông Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho biết việc bổ nhiệm ông Quốc làm Tổng giám đốc IPC đã được thực hiện đúng quy trình 5 bước theo quy định. Khi đó, ông Quốc đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật khiển trách là một năm.
Với vai trò Phó bí thư Đảng ủy kiêm Tổng giám đốc HIFC nhiệm kỳ 2015-2020, ông Quốc và Ban Thường vụ Đảng ủy HIFC bị xác định vi phạm trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ giảm sút. Tháng 9/2018, ông Quốc cùng với 3 lãnh đạo công ty bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM khiển trách.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, sau khi để xảy ra sai phạm ở HFIC và bị kỷ luật, ông Quốc gửi đơn đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM. Tuy nhiên nội dung đơn chỉ thông tin cho lãnh đạo đoàn biết ông Quốc đang bị xem xét kỷ luật về mặt Đảng chứ không phải đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
“Chúng ta nên tôn trọng lời thú nhận của ông Quốc là quốc tịch Cyprus do gia đình bảo lãnh chứ không nên suy diễn, có bước đi quá dài tìm hiểu số tiền này từ đâu ra”, ông Khuê trả lời câu hỏi của phóng viên khi đề cập đến 2,5 triệu USD để có quốc tịch Cyprus.
Ông Khuê cho hay không phải vì chuyện có 2 quốc tịch mà phủ định mọi nỗ lực, cố gắng của ông Quốc trong vai trò đại biểu Quốc hội và ở những vị trí công tác. “Chúng tôi đánh giá đại biểu Quốc luôn tuân thủ quy định của đoàn, chịu khó nghiên cứu, đóng góp các dự thảo luật trong lĩnh vực của mình công tác”, ông Khuê nói.
Cuối cùng, ông Khuê cho rằng việc ông Quốc không cung cấp thông tin mình có 2 quốc tịch là “điều rất tiếc”. Đây cũng là bài học các đại biểu Quốc hội, cán bộ công chức tự vấn, rà soát lại mình để nhận thực và có việc làm đúng.
Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.
Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.
Ngày 4/12/2019, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4, gồm các quận 5, 10, 11.
Theo VnExpress