Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, phần lớn người dân đều dễ dàng tiếp cận với nhiều loại hình thông tin, đặc biệt là mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội đã đặt ra những thách thức cho việc thẩm định và kiểm soát tính đúng đắn, phù hợp với các chuẩn mực luật pháp và đạo đức của thông tin được đăng tải. Đây chính là yếu tố mà những đối tượng chống đối chính trị, đặc biệt là số linh mục cực đoan trong công giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lợi dụng để tăng cường các hoạt động chống phá.
Sự phát triển mạnh mẽ internet, mạng xã hội đã mang đến cho người đọc lượng thông tin khổng lồ, làm phong phú thêm kho kiến thức của nhân loại, cho phép tìm kiếm thông tin dễ dàng; gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Mạng xã hội là mối quan hệ giữa con người với xã hội trên nền tảng internet, mang lại những tiện ích giúp cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, nhu cầu hưởng thụ, trao đổi thông tin trong cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm, nguy cơ khó lường, đó là vấn nạn tin giả, tin có nội dung thiếu lành mạnh, phản giáo dục, bôi xấu, vu cáo, phản động, kích động bạo lực, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chống phá công công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Lợi dung mạng xã hội để tăng cường hoạt động chống phá
Điểm qua một số facebook của các linh mục như LM Trần Văn Thành (quản xứ Tam Tòa), LM Nguyễn Văn Hảo (quản xứ Diên Trường), LM Trương Văn Vút (quản xứ Cồn Sẻ) độc giả có thể dễ dàng nhận thấy tin tức mà những linh mục thường chia sẻ trên facebook cá nhân đều ở những địa chỉ không chính thống, những thông tin một chiều theo hướng tiêu cực, được đăng tải với mục đích xuyên tạc, bôi đen hiện thực đất nước; thổi phồng những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; phóng đại, khuyếch trương những tiêu cực trong xã hội; bóp méo các chủ trương, chính sách, luật pháp…
Với chức trách là quản xứ, là người cha tinh thần cho đoàn chiên, những thông tin sai lệch được các LM rao giảng, đăng tải lặp đi lặp lại nhiều lần đã tạo ra nhận thức sai lệch về hiện thực theo chiều hướng xấu, hình thành tâm lý chán ghét trong một bộ phận giáo dân. Trầm trọng hơn, vì suốt ngày được nghe từ LM nên một bộ phận giáo dân, đặc biệt là những người lớn tuổi ít tiếp cận với phương tiện thông tin, những người trẻ tiếp cận với thông tin nhưng nhận thức chưa đầy đủ, họ xem linh mục là người cha tinh thần, là tấm gương học tập, thông tin các LM đăng tải, chia sẻ là chính xác. Do đó, không ít giáo dân sẽ dần dần cho những thông tin sai sự thật, thổi phồng của các LM là thật.
Điển hình như mới đây, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, cả thế giới đang nổ lực hết sức để chống dịch. Ở nước ta với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, công cuộc chống dịch Covid-19 đã có những kết quả bước đầu được tổ chức y tế thế giới và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, trên facebook cá nhân, LM Hảo, LM Vút cho rằng chính quyền giấu dịch, “bưng bít thông tin”, nước Mỹ còn chưa chống được dịch thì sao Việt Nam làm được. Đến khi WHO và Hoa Kỳ cử đoàn công tác đến Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm chống dịch thì lúc đó tất nhiên các LM lại lờ đi những gì mình đã đăng tải mà không đăng tải thông tin cải chính.
Ngoài ra, liên quan đến những vấn đề chính trị xã hội khác như: sự việc lấn chiếm đất công, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm (Hà Nội); việc cơ quan chức năng xử lý những “tù nhân lương tâm”… các LM thường xuyên tạc, biến những kẻ chống đối, vi phạm pháp luật thành “anh hùng”, tổ chức hiệp thông một cách lố bịch, làm vấy bẩn thánh đường.
Một điểm chung dễ nhận thấy nữa ở những linh mục kể trên đó là, luôn coi Việt Nam là một quốc gia kém phát triển, lạc hậu, ô nhiễm, đói nghèo, bất chấp những số liệu về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước luôn đạt ở mức cao và thực tế đời sống của người dân đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây; những số liệu về nợ công, ô nhiễm ở Việt Nam là những hiểm họa cận kề của đất nước, là biểu hiện của những yếu kém của chế độ, mà không chịu tìm hiểu rằng nợ công và ô nhiễm là những tất yếu của quá trình phát triển mà hầu như bất cứ quốc gia nào cũng phải trải qua, mặc dù Chính phủ luôn có những nỗ lực để hạn chế tối đa những vấn đề đó; luôn cho rằng những tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận công chức là đặc trưng của xã hội Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có, là hệ quả của chế độ XHCN, mà không hiểu rằng, những tình trạng tiêu cực đó là “câu chuyện đau đầu” không chỉ riêng của Việt Nam, mà nó tồn tại ở rất nhiều quốc gia, thậm chí mức độ nặng hơn. những thành tựu đạt được của Việt Nam trên trường quốc tế đều là mị dân, những tiêu cực, thống kê mà Việt Nam không đạt thứ hạng cao thì các LM này lấy đó làm hả hê, khoái chí. Tuy nhiên, cái mà ai cũng biết, những linh mục trên đang được hưởng những phúc lợi xã hội mà Đảng, Nhà nước Việt Nam mang lại.
Cần có biện pháp xử lý
Trong bối cảnh hiện nay, “bả độc” thông tin thật sự là một thách thức lớn đối với công tác tư tưởng, bởi tốc độ lan truyền nhanh chóng và tác hại lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của nó đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt nó được cổ súy, lan truyền một cách có chủ đích từ một bộ phận cực đoan trong công giáo đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của một phận người dân, giáo dân.
Thiết nghĩ, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, tác động và ảnh hưởng của nó cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi đứng trước các luồng thông tin, độc giả cần biết lựa chọn, sàng lọc, loại bỏ những thông tin xuyên tạc, hãy bình tĩnh kiểm chứng thông tin, đừng vội ấn nút “chia sẻ”, đừng vội “like” khi chưa biết thông tin đó có chính xác hay không. Hơn nữa, độc giả cần tiếp cận nhiều hơn những nguồn thông tin chính thống như bản tin thời sự, các trang báo có uy tín. Hãy có cái nhìn khách quan trước mọi sự vật hiện tượng xảy ra, cảnh giác trước tất cả những luồng thông tin “miễn phí”. Các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác xử lý đối với những trường hợp đăng tải những thông tin sai sự thật cũng như phải cung cấp đến người dân những thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời. Chỉ khi đó, không gian mạng mơi là nơi để chia sẻ những yêu thương, những thông tin xấu, độc mới không còn có đất sống./.
Bảo Bình