Những lá đơn tố cáo vợ chồng Dương Thị Chiến của 5 cô gái Dao về hành vi buôn người dường như rơi vào im lặng. Không phải do cấp huyện không cố gắng, mà vì những tình tiết quá phức tạp của sự việc khiến cho công tác điều tra “giậm chân tại chỗ”. 6 tháng sau, vụ án được chuyển lên cơ quan điều tra Công an tỉnh Yên Bái thụ lý. Nhận “đầu bài” thậm khó này, tôi đơn độc trong hành trình tìm câu trả lời, bắt những kẻ phạm tội về quy án để xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân…
Manh mối mong manh
Sự việc bắt đầu từ những lá đơn trình báo của 5 gia đình người dân tộc Dao tại xã Minh An (huyện Văn Chấn, Yên Bái) về việc con gái họ mất tích. Đầu năm 2003, Công an Trung Quốc tấn công một số “động quỷ” ở vùng giáp biên giới Lạng Sơn, giải cứu một số gái bán dâm người Việt và trao trả cho cơ quan chức năng Việt Nam. Trong số những người trở về, may thay có 5 cô gái nọ.
Về đến nhà, phẫn uất, tủi nhục bởi những tháng ngày bị đày đoạ nơi đất khách quê người, họ tức tốc làm đơn tố cáo cặp vợ chồng Dương Thị Chiến ở cùng thôn về hành vi buôn người.
Phụ nữ và trẻ em là mục tiêu lừa gạt hàng đầu của các đối tượng buôn người.
Theo tố cáo, Chiến cùng chồng đã gặp gỡ, rủ rê hứa hẹn đưa họ đi làm ăn xa với công việc nhàn hạ, lương cao. Do non nớt, nhẹ dạ cả tin, các cô gái đã đồng ý rồi trốn nhà, xách quần áo đi theo người hàng xóm. Từ đây bắt đầu hành trình lưu lạc nơi “góc bể chân trời”. Họ bị vợ chồng Chiến giao cho rất nhiều đối tượng khác nhau ở các tỉnh lân cận. Điểm cuối hành trình là Bằng Tường, Trung Quốc. Tại xứ người, họ bị đưa vào các động mại dâm, bị ép bán dâm tần suất 30 – 40 lần/ngày khiến cơ thể tàn tạ, héo mòn và mắc các chứng bệnh lây qua đường tình dục.
Là Đội phó, Điều tra viên Đội Điều tra án xâm phạm nhân thân (Phòng Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái) khi đó, tôi được chỉ huy tín nhiệm giao “ôm” chồng hồ sơ vụ án dày cả gang do Công an huyện Văn Chấn chuyển đến. Hồ sơ dày vì quá nhiều hoạt động điều tra nhưng không có kết quả. Vợ chồng Chiến đều không nhận tội, trong khi lời khai các nạn nhân nhiều điểm mâu thuẫn, không thống nhất. Đặc biệt, dù đã bị giao qua nhiều đối tượng, nhưng họ đều không biết ai, vì là người ở những địa phương xa lạ. Dành cả tuần lễ đọc hồ sơ, thận trọng “nội soi” từ dấu chấm, dấu phẩy trong các biên bản hoạt động điều tra, tôi phát hiện ra những vấn đề mà cơ quan điều tra địa phương chưa nhận ra.
Thẩm định thật kỹ hồ sơ rồi bắt tay vào viết bản kế hoạch tổng thể điều tra vụ án, tôi thuyết phục chỉ huy triển khai điều tra truy xét bằng những biện pháp quyết liệt nhất vì lúc này tôi thấy cần phải bắt cả 2 vợ chồng Chiến. Có bị “nhốt” vào “kho”, chúng mới chịu khai thật, còn nếu cứ để nhởn nhơ ở ngoài xã hội, ý nghĩ “không khai không làm gì được” càng củng cố thêm quyết tâm phủ nhận mọi liên quan đến vụ án của chúng.
Kế hoạch được lãnh đạo đơn vị chuẩn y. Hôm sau, với một chiếc xe máy Wave, cặp số đựng hồ sơ và quần áo chằng buộc sau xe, tôi thơm tạm biệt con gái nhỏ rồi đơn độc bước vào hành trình tìm sự thật của vụ án. Những chuyến đi của “dân” điều tra hình sự thường không biết ngày về, tất cả còn phụ thuộc vào kết quả công việc.
“Chẻ tre, róc mía”
Điểm đến đầu tiên của tôi là xã Minh An, nơi ở của các nạn nhân và nghi can của vụ án. Tôi gặp may ngay phút đầu, khi Trung tá Hà Quế Sơn (Cảnh sát phụ trách xã, Công an huyện Văn Chấn) vồn vã mời về căn nhà gỗ đơn sơ của mình, giao cho căn gác nhỏ làm “bản doanh” trong thời gian lưu lại địa phương. Hằng ngày, chị Mẫn (vợ anh) đầy đủ 3 bữa nuôi chú cán bộ tỉnh về công tác. Tôi bắt tay ngay vào việc thẩm định lời khai các nạn nhân.
Cả 5 cô gái Dao đều được mời lên Uỷ ban xã làm việc. Còn nhớ chiều ấy mưa tầm tã, một mình tôi cùng lúc làm việc với cả 5 bị hại. Họ được phát giấy viết tường trình sự việc, tôi lần lượt lấy lời khai từng người. Tất cả những điểm còn mâu thuẫn, tôi cho họ “hội thảo” để giúp nhau nhớ lại chính xác sự việc xảy ra hơn nửa năm về trước.
Mánh khóe của tội phạm buôn người ngày càng tinh vi.
Phương pháp này tỏ ra khá hiệu quả, vì những điều còn mâu thuẫn trong lời khai trước đây của các nạn nhân, chủ yếu là do nhận thức hạn chế, thêm nữa đã có quá nhiều sự kiện xảy ra từ lúc bị lừa bán sang đất khách quê người tác động tinh thần họ, dẫn đến tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” lẫn lộn.
Nhìn những khuôn mặt còn non bấn, vẫn còn đầy vẻ bơ phờ, mệt mỏi sau quá trình bị đày đoạ ở xứ người, trong tôi dấy lên sự thương cảm, xen lẫn căm phẫn những kẻ bất lương. Đối với lính điều tra hình sự, khi đau cùng nỗi đau của nạn nhân, niềm đau ấy biến thành động lực thúc giục họ vượt qua khó khăn, trở ngại để tìm công lý về cho người dân. Kẻ có tội, gây điều ác chống lại xã hội, chống lại con người phải bị trừng trị.
Đó là lẽ công bằng ở đời. Mỗi người sinh ra trên đời đều mang trên mình một sứ mạng nào đó. Chúng tôi ở đây là để vạch trần tội ác, bảo vệ người dân vô tội. Thực lòng, tôi luôn suy nghĩ về nghề của mình như thế. “Sát cái sát là sinh” – diệt trừ cái ác để bảo vệ xã hội, bảo vệ người dân là sứ mệnh của những người lính như tôi.
Căn cứ kết quả “phúc cung” các bị hại, tôi đồng thời triệu tập vợ chồng Chiến lên xã để đấu tranh. Vẫn như 6 tháng trước, ban đầu chúng cãi “nhem nhẻm”, nhưng không làm khó được tôi, vì như các cụ dạy: “nói dối hay cùng”. Sử dụng các chiến thuật hỏi cung…tôi khiến chúng bộc lộ những sơ hở, mâu thuẫn giữa 2 lời khai về cùng một sự việc. Cuối cùng, do không chịu được “nhiệt”, gã chồng nhận tội trước.
Thừa thắng, tôi dùng tài liệu của chồng đấu tranh quyết liệt với vợ, rồi cũng khuất phục được thị. Cặp vợ chồng tội đồ này đã khai tìm “hàng” cho một cặp vợ chồng Hải – Luỹ ở Thu Cúc, Thanh Sơn, Phú Thọ để nhận tiền công. Gọi về cơ quan đề xuất mang lệnh bắt khẩn cấp vợ chồng Chiến trong niềm vui chiến thắng trận đầu, tôi nháy Trung tá Sơn chuẩn bị phối hợp để bắt đối tượng. Khi chiếc xe chở các đối tượng rời khỏi Ủy ban xã Minh An, tôi nhờ anh Sơn hôm sau xuống Thu Cúc xác minh “nhà” Hải – Luỹ cùng mình.
Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu, [email protected]
Sáng hôm sau, 2 anh em đi xe máy xuống Thanh Sơn. Trao đổi với Công an xã, tôi nhờ họ mời vợ chồng Hải – Luỹ lên Uỷ ban làm việc. Cặp vợ chồng này quá bất ngờ khi “tự dưng” có người hỏi về câu chuyện hơn nửa năm về trước. Là người dân tộc Mường miền núi, dù có ranh mãnh đến mấy thì cũng chỉ ở “đẳng cấp” xóm thôn, không thể làm khó được “dân nghề”. Những chối cãi ban đầu qua nhanh, vì tôi đã quá “thuộc bài”. Chúng lúng túng rồi rụt rè nói về những chuyện đã làm liên quan đến 5 cô gái Dao. Trong đó, có một chi tiết khiến tôi đặc biệt quan tâm, đó là họ nhận “đơn hàng” này từ một…cô giáo dạy tiểu học tại huyện Yên Lập, Phú Thọ.
Tôi hỏi đi hỏi lại tình tiết này, vì quả thực chuyện rất lạ đối với một cô giáo. Kết thúc buổi làm việc, để củng cố chứng cứ bắt đối tượng, một mặt tôi chụp ảnh Hải – Luỹ, nhờ anh Sơn khẩn trương quay trở về Minh An cho các bị hại nhận dạng, mặt khác tôi cầm chân chúng ở Uỷ ban, vì sợ thông tin vợ chồng Chiến ở Yên Bái đã bị bắt loang ra, đến tai chúng khiến cả 2 cùng “nhảy” – (bỏ trốn) thì nguy. Anh Sơn gọi điện báo các nạn nhân nhận diện chính xác là cặp vợ chồng Hải – Luỹ đã tiếp nhận họ từ vợ chồng Chiến.
Trong nghề, chúng tôi gọi đây là tình huống “đủ tiền đi chợ” – nghĩa là đã có đủ tài liệu, chứng cứ để bắt cặp vợ chồng này. Lại một lần nữa tôi gọi về “nhà”, báo cáo đề xuất chỉ huy cử một tổ công tác xuống Thanh Sơn “đón hàng”. Các anh tiếp nhận cuộc gọi thứ 2 của tôi rất hào hứng, vài tiếng sau, Đại uý Vũ Hồng Quảng (Đội trưởng, nay là Đại tá, Trưởng phòng CSHS – Công an tỉnh Yên Bái) đã có mặt để thi hành lệnh bắt khẩn cấp cả 2 đối tượng về tội “mua bán phụ nữ” theo Bộ luật Hình sự lúc bấy giờ.
Bỏ tiền chiêu đãi đồng đội một trận thịt chó ra trò ở phố núi xong, tôi và họ chia tay nhau. Công việc tiếp theo cần làm là tìm cho ra cô giáo Hoan, làm rõ sự liên quan của người này với vụ án. Thật lòng, tôi thấy khó tin vào việc một cô giáo lại có thể đang tâm làm cái việc bại hoại luân lý như thế.
(còn nữa)
Đào Trung Hiếu