Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong nhữngdấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.
Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp
(1945-1954) của Việt Nam, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông
Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, dựng lên mốc son chói lọi
trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh
đến phong trào đầu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội
trên thế giới.
Sau khi trở lại xâm lược Đông Dương, thực
dân Pháp đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức cao nhưng thực dân Pháp
vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra là tiêu diệt chính phủ cách mạng và lực
lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm
1945. Đồng thời, đế quốc Mỹ cũng tăng cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực
viện trợ cho Pháp kéo dài và mở rộng cuộc chiến nhằm phục vụ cho chiến lược
toàn cầu phản cách mạng.
Điện Biên Phủ giữ vị trí chiến lược quan
trọng nhằm bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào. Mặt khác, nơi đây là thung lũng phì
nhiêu (dài 18 km, rộng 6 – 8 km), giàu có nhất vùng Tây Bắc. Không gian và địa
thế đó cho phép xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút và đánh bại chủ
lực đối phương. Vì vậy, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài bất
khả xâm phạm với hơn 16.000 lính gồm những đơn vị bộ binh, pháo binh, công
binh, xe tăng, không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương; được bố trí
thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu. Cả Pháp
và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”, công khai
thách thức đối phương tiến công.
Sau khi phân tích kỹ tình hình mọi mặt, nhất
là so sánh tương quan lực lượng địch – ta, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy tối
cao đã quyết tâm mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ – đòn quyết chiến chiến
lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại tướng Võ
Nguyên Giáp được giao trọng trách Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Với
khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho
chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công,
mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian
khổ, chiều ngày 7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến
chiến lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là sự kiện
chính trị vô cùng quan trọng buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva
(7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước
Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm
(1945 – 1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng
thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.
Thắng lợi của Quân Đội Nhân dân Việt Nam
trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được xem là một cột mốc đánh dấu thất bại
hoàn toàn của nước Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói
riêng và đế quốc thực dân của họ nói chung sau sau chiến tranh thế giới thứ
hai. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo lên một cơn địa chấn trên toàn cầu thể hiện
tinh thần đoàn kết dân tộc giữa quân đội và nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt
của Đảng Cộng sản, tất cả đồng lòng hướng đến độc lập, tự do, hòa bình nên chấp
nhận hy sinh xương máu để đánh đuổi quân xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
khỏi Việt Nam.
Công Lý