Qua những dòng trạng thái trên trang cá nhân, giúp cho những người khác hiểu hơn về tính cách, cũng như con người, sở thích… của chủ nhân những dòng trạng thái đó.
Và thường các dòng trạng thái thể hiện rất rõ dấu ấn nghề nghiệp cũng như sở thích, sở trường, sở đoản của chủ nhân, ví dụ như bác sỹ thì thường bàn sâu về bệnh và các cơ chế gây bệnh, dược sỹ thì bàn về các loại thuốc, nhà thơ thì đăng thơ, anh làm vườn thì bàn về… nông nghiệp.
Qua đó để thấy, một nhà toán học vĩ đại thì không nên đi cãi nhau với bác sỹ chuyên khoa ung bướu về bệnh ung thư, cũng như một võ sỹ quyền anh thì không nên cãi nhau về hiện tượng bão mặt trời với một nhà thiên văn học… Ai cũng có sở trường, sở đoản về các lĩnh vực thuộc hoặc không thuộc chuyên môn của mình.
Nói chung con người ta thường hay nói và viết lên những điều gì mình thân thuộc và hiểu biết nhất, có hiểu biết thì mới bàn sâu, bàn kỹ, bàn thấu đáo được, điều đó cũng thật là dễ hiểu. Có hiểu biết về lĩnh vực mình đang bàn đến thì thực sự những quan điểm, nhận định của mình có chăng sẽ giúp ích được điều gì đó cho người đọc và cho xã hội.
Và còn một điều này nữa, có hiểu biết, nhưng điều cần đến nữa là phải có đầy đủ thông tin về một sự vật, hiện tượng nào đó thì mới bàn sâu, bàn kỹ, bàn thấu đáo được. Nếu chỉ hiểu biết không đến đầu đến đũa, cộng với “nghe hơi nồi chõ”, sau đó suy luận và “phán” thì thường dẫn đến những sai lầm, lệch lạc.
Thời gian qua, trên các trang mạng thường xuất hiện những dòng trạng thái, những bài viết, những bình luận… tréo ngoe, chẳng liên quan gì tới nghề nghiệp của chủ nhân của những dòng trạng thái đó cả, họ muốn thể hiện cho cả thế giới biết rằng, mình là một người “biết tuốt”, mình là thiên tài trên tất cả các lĩnh vực. Đáng tiếc thay những bài viết “vô giá trị” đó của họ, vẫn được không ít người tung hô và tin theo vì nghĩ là đúng.
Đơn cử như một vị tiến sỹ, hiện là giảng viên Khoa Khoa học xã hội của một trường đại học đóng ở địa bàn miền Trung, người luôn đưa ra những nhận xét gây “sốc” trên mạng xã hội. Những nhận xét của vị giảng viên này ngoài muốn thể hiện mình là người “biết tuốt” thì còn bộc lộ mình là một người tráo trở, vô ơn.
Những người có lương tâm trên toàn thế giới và đặc biệt là nhân dân Campuchia đã rất biết ơn tinh thần quốc tế của Việt Nam, đã giúp họ thoát khỏi nạn diệt chủng PolPot, Nhưng không biết vì một lý do nào đó, ông Lý Hiển Long đề cập tới vấn đề này một cách thiếu khách quan thì ông thầy giáo kia cũng hùa vào với những lời lẽ vô ơn, phủ nhận công lao của đồng chí, đồng bào bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn thoát họa diệt chủng…
Và mới đây nhất, khi có hiện tượng một số người trốn khỏi khu cách ly bắt buộc phòng dịch COVID – 19, vị giảng viên này lại gây “sốc” khi “kiến nghị thiêu sống kẻ cố tình phát tán mầm dịch”. Đến cái kiến nghị này thì chúng ta dễ dàng nhận ra tâm địa của vị giảng viên kia, là tại sao ông ấy lại đi phê phán chính quyền là sai lầm khi tiến hành cuộc chiến tranh với PolPot.
Phải chăng ông ấy bất chấp cả đạo lý, pháp luật và muốn được chứng kiến những cách hành hình như thời Trung cổ mà PolPot và các cộng sự của mình đã gây ra cho dân tộc Campuchia? Với một hệ thống những phát ngôn “biết tuốt” như thế trên mạng xã hội thời gian qua, liệu vị giảng viên kia có còn xứng đáng làm người thầy đứng trên bục giảng?
Tôi rất thích câu nói của huấn luận viên JUERGEN KLOPP (HLV đội tuyển bóng đá LIVERPOOL), khi ông được một phóng viên hỏi rằng: Ông có lo lắng về dịch COVID – 19 hay không?
Huấn luận viên JUERGEN KLOPP đã trả lời: “Điều tôi không thích ở cuộc sống này là mấy người coi trọng ý kiến của một HLV bóng đá về một vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi không hiểu điều đó, thực sự. Việc người nổi tiếng nói ra ý kiến chẳng quan trọng gì cả. Chúng ta phải nói ra những vấn đề thuộc phạm trù mình biết, chứ không phải lấy một người không biết gì như tôi ra phỏng vấn. Tôi chỉ là một gã đội mũ bóng chày và râu ria lởm chởm. Tôi cũng lo như bao người thôi. Tôi sống trên hành tinh này và mong muốn nó được an toàn và khỏe mạnh, tôi chúc mọi người những điều tốt đẹp nhất. Nhưng ý kiến của tôi là vô giá trị”.
Nguyễn Tam Hà