“Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy việc đeo khẩu trang có tác dụng tiềm năng gì. Trên thực tế, có một số bằng chứng cho thấy điều ngược lại trong việc lạm dụng đeo khẩu trang”, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành của chương trình cấp cứu y tế của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30/3.
Ảnh minh họa. Getty Images
“Một vấn đề khác chính là sự thiếu hụt nguồn khẩu trang và vật tư y tế khác trên toàn cầu”, Ryan cho biết. “Hiện tại, những người có nguy cơ cao nhất với loại virus này là nhân viên y tế tuyến đầu, những người tiếp xúc với virus mỗi giây mỗi ngày”.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm của WHO, cho biết rằng điều quan trọng là “ưu tiên khẩu trang cho những người cần nó nhất”, đó là nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu.
“Trong cộng đồng, chúng tôi không khuyên bạn nên sử dụng khẩu trang trừ khi bản thân bạn bị bệnh và là một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan từ bạn nếu bạn bị bệnh”, bà Van Kerkhove cho biết.
Các quan chức của WHO trong một cuộc họp báo tuần trước cũng từng cảnh báo về “sự thiếu hụt đáng kể” các vật tư y tế, bao gồm cả đồ bảo hộ cá nhân (PPE), cho các bác sĩ.
“Thế giới đang đối mặt với sự thiếu hụt đáng kể PPE cho các nhân viên tuyến đầu – bao gồm khẩu trang, găng tay và áo choàng và khiên che mặt – và bảo vệ nhân viên chăm sóc sức khỏe phải là ưu tiên hàng đầu”, chuyên gia của WHO nhấn mạnh.
Duy Tiến (CAND)