Ngừng kinh doanh, tập trung sản xuất khẩu trang phát miễn phí
Tại một góc của khu chợ thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, người dân tập trung rất đông để nhận những chiếc khẩu trang miễn phí từ gia đình chị Thắm. Vẫn biết giá trị thật của mỗi chiếc khẩu trang ấy chẳng đáng bao nhiêu nhưng trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” người người chống dịch, nhà nhà chống dịch thì nó lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cầm trên tay 2 chiếc khẩu trang vừa được phát, bà Lê Thị Hiền không giấu được niềm vui.
Bà bảo: “Thời buổi này khẩu trang quý như vàng, bỏ tiền ra chưa chắc đã mua được nên khi được phát miễn phí thế này tôi mừng lắm. Thật lòng chúng tôi rất biết ơn vợ chồng cô Thắm vì nghĩ đến sức khỏe của cộng đồng mà không quản bỏ cả tiền bạc lẫn công sức. Khi nhận được những chiếc khẩu trang miễn phí này tôi xúc động lắm. Người dân chúng tôi đã không phải đi khắp nơi tìm mua khẩu trang với giá “cắt cổ” nữa”.
Vợ chồng chị Thắm cảm thấy rất hạnh phúc khi làm được những việc ý nghĩa.
Gần 1 tháng qua, gia đình chị Lê Thị Thắm đã phát miễn phí tổng cộng hơn 40 nghìn chiếc khẩu trang. Khi được hỏi duyên cớ nào khiến chị Thắm quyết định may khẩu trang phát miễn phí thì chị cười bảo: “Cũng xuất phát từ nhu cầu của bản thân và gia đình. Khi đại dịch bùng phát tôi cũng đã nháo nhào đi mua khẩu trang y tế khắp nơi mà không được. Rồi sau đó lại chứng kiến cảnh bà con, hàng xóm lo lắng, cuống cuồng đi săn khẩu trang, chấp nhận mua với giá bị đẩy lên cả chục lần. Nhưng không phải ai cũng may mắn mua được nên tôi đã nghĩ mình phải làm gì đó để giúp đỡ mọi người”. Cuối cùng chị quyết định sẽ may khẩu trang để phát miễn phí cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở cùng người dân trên địa bàn xã Hải Bối.
Chị Thắm vốn là chủ một xưởng chuyên sản xuất áo mưa.Nhiều năm qua, xưởng sản xuất này đã đem lại cho gia đình chị một cuộc sống khá giả.Không chỉ vậy xưởng của gia đình chị Thắm còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục công nhân. Khi quyết định sẽ may khẩu trang phát miễn phí, chị Thắm đã buộc phải dừng toàn bộ công việc sản xuất áo mưa để chuyển toàn bộ nhân lực sang may khẩu trang.
Bắt tay vào việc, chị Thắm đã tìm cách liên hệ với đơn vị cung ứng mua loại vải chuyên dụng để sản xuất khẩu trang y tế, nhưng là loại dày hơn. Cùng với đó, hàng chục công nhân từ xưởng sản xuất áo mưa đã được gia đình chị điều động sang may khẩu trang. Những tưởng chiếc khẩu trang nhỏ bé hình dáng đơn giản sẽ được làm ra một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Nhưng khi bắt tay vào sản xuất, chị Thắm cùng những công nhân của xưởng đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Lô khẩu trang đầu tiên “ra lò” đã phải bỏ đi quá nửa vì hình thức không bắt mắt, xô lệch, rúm ró. Cũng dễ hiểu bởi công nhân của chị trước đó chỉ quen may áo mưa với những đường thẳng đơn giản, giờ phải may những đường gấp ly tỉ mỉ khiến họ không quen.
Không nản lòng, những ngày tiếp theo, chị Thắm vừa trực tiếp tham gia may khẩu trang vừa động viên chị em trong xưởng cố gắng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng xưởng của chị đã cho ra lò những sản phẩm khẩu trang không chỉ đẹp mắt mà còn đáp ứng đủ điều kiện về y tế. Lúc đầu, vì chưa quen nên mỗi ngày xưởng của chị Thắm chỉ sản xuất được 1.500 cái. Sau này khi mọi người đã quen việc thì số lượng khẩu trang sản xuất đã tăng lên gấp đôi.
Chị Thắm chia sẻ: “Ban đầu mục tiêu của hai vợ chồng chỉ là may 10.000 chiếc khẩu trang để cấp phát miễn phí cho trẻ em trên địa bàn xã Hải Bối, trong đó có Trường tiểu học xã Hải Bối – nơi con tôi đang theo học. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân cao, sẵn có máy may, hai vợ chồng chị đã quyết định sản xuất thêm khẩu trang để cấp phát cho đông đảo người dân có nhu cầu”.
Không bỏ cuộc trước những lời dị nghị
Khi biết vợ chồng chị Thắm có ý định may khẩu trang để phát miễn phí cho người dân trên địa bàn, nhiều người đã ác khẩu nói rằng: “Ôi giời, vợ chồng nó làm thế cũng chỉ là để đánh bóng tên tuổi, cứ để thử xem làm được bao nhiêu cái”.
Bên cạnh đó cũng có người lại cho rằng may khẩu trang thủ công như vậy thì không thể đảm bảo chất lượng cũng như đáp ứng đủ tiêu chuẩn của y tế. Mặc dù những lời như vậy đến tai vợ chồng chị Thắm không ít nhưng vợ chồng chị không buồn cũng không nản lòng. Chị bảo tâm mình sáng thì mình không sợ.
Những chiếc khẩu trang đã được kiểm định chất lượng.
“Có thể lúc đầu mọi người chưa hiểu nên mới suy nghĩ như vậy. Nhưng sau này khi chứng kiến sự chân thành trong việc làm của vợ chồng tôi thì mọi người lại quay sang ủng hộ” – chị Thắm tâm sự.
Hiện nay, trước cửa xưởng của chị Thắm luôn đặt một thùng đựng khẩu trang để người dân đi qua đều có thể lấy một vài chiếc để sử dụng.Số khẩu trang được sản xuất từ xưởng của gia đình chị Thắm giờ đã lên tới con số hơn 40 nghìn chiếc. Và tổng số tiền bỏ ra để làm việc đó cũng lên tới 200 triệu đồng.
Để sản xuất ra vài nghìn chiếc khẩu trang mỗi ngày, 22 công nhân trong xưởng của gia đình chị Thắm phải làm việc liên tục từ sáng đến tối. Nhiều người có con nhỏ nhưng vẫn cố gắng thu xếp thời gian để không làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của xưởng. Dù vất vả nhưng tất cả các công nhân trong xưởng của chị Thắm đều cảm thấy rất vui khi biết mình đang làm một việc đầy ý nghĩa.
Khẩu trang sản xuất tại xưởng của chị Thắm được may đủ 4 lớp và khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn nano bạc, hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe cho người dân. Để tạo thêm niềm tin và yên tâm cho người dân sử dụng khẩu trang được cơ sở làm ra, vợ chồng chị Thắm đã mang sản phẩm của mình đến Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để kiểm nghiệm.
Phiếu kết quả thử nghiệm số 20/247/TN8/02 phát hành ngày 20/2 cho thấy, tất các mẫu xét nghiệm đều trong ngưỡng an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng. Chị Thắm chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có thể giúp ích cho xã hội, cho những người xung quanh bằng công việc của mình”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết: Nhận thấy việc làm của chị Thắm có ý nghĩa thiết thực vì cộng đồng, không chỉ có chị em công nhân trong xưởng của chị đều vui vẻ, tình nguyện tăng ca sản xuất thêm khẩu trang, mà chị em cán bộ hội viên phụ nữ thôn, xã Hải Bối còn tích cực chung tay giúp xưởng của chị hoàn thiện công đoạn đóng gói để kịp tiến độ phát khẩu trang miễn phí cho mọi người dân. Trước đó, xưởng sản xuất của chị còn may áo bảo hộ lao động phát miễn phí cho các chị em phụ nữ khi tham gia tổng vệ sinh môi trường, phun dung dịch khử khuẩn để phòng dịch bệnh trên địa bàn.
Không chỉ gia đình chị Thắm, trên địa bàn Hà Nội, thời gian vừa qua, sự tử tế còn lan tỏa trong những hoạt động thường ngày. Có thể thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân Thủ đô đã và đang cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều hành động đẹp đã được sẻ chia. Nhiều nghĩa cử tốt đã được lan tỏa.
Hiện một số trường đại học, trung học chuyên nghiệp đã tập trung nghiên cứu pha chế dung dịch rửa tay diệt khuẩn để cung cấp đầy đủ nhất đến người dân. Nhiều doanh nghiệp may mặc đã tạm gác kế hoạch sản xuất, chuyển sang may khẩu trang, bán giá rẻ hoặc phát miễn phí cho người dân. Mỗi ngày, những việc tử tế càng nhiều hơn để cùng kết nối cộng đồng, tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội.