Tối 25-2, YTN News (Hàn Quốc) đăng bản tin phản ánh đoàn du khách Hàn Quốc bị cách ly khi đến Việt Nam và buộc phải trở về nước. Một số du khách xuất hiện trong bản tin ho rằng cơ sở vật chất trong khu cách ly nghèo nàn, họ chỉ được ăn “vài mẩu bánh mì” và bị “giam cầm” nghiêm ngặt, “ngược đãi” và “đối xử tệ bạc”.
Việc đài YTN News đăng tải thông tin nhưng thiếu kiểm chứng để đối chiếu và so sánh, dẫn tới thông tin được cung cấp một chiều, phiến diện. Điều này dẫn tới những phản ứng trái ngược nhau của cư dân 2 nước. Người dân Hàn Quốc phản ứng bức xúc, phẫn nộ với cách hành xử của chính quyền TP Đà Nẵng khi người dân nước họ bị đối xử tệ bạc. Trái lại cộng đồng người Việt lại tỏ ra bức xúc vì thông tin đã bị bóp méo hoàn toàn, làm cho không chỉ người dân Hàn Quốc mà ngay cả người dân nhiều nước nhầm tưởng Chính phủ Việt Nam nói chung, chính quyền TP Đà Nẵng nói riêng đối xử thô bạo với 20 du khách Hàn Quốc. Điều đó dẫn đến những lời ca thán khi cho rằng du khách Hàn Quốc vô ơn, còn người dân Việt Nam “làm ơn mắc oán”.
Trên thực tế khẩu phần ăn của người Việt tại các khu cách ly chỉ vào khoảng gần 60 ngàn đồng, trong khi đó khẩu phần ăn dành cho người nước ngoài, trong đó có người Hàn Quốc là khoản từ 150 đến 200 ngàn đồng. Người Hàn Quốc được chính quyền TP Đà Nẵng ưu tiên chuẩn bị kim chi, giúp họ quên đi cảm giác xa lạ, sẵn sàng chữa trị miễn phí như cách mà chúng ta đã đối đãi với các bệnh nhân người Trung Quốc. Trong khi người Việt Nam chấp nhận cách ly trong các khu nhà tập thể hay doanh trại quân đội, khẩu phần ăn 1 ngày chỉ bằng 1/4 của người Hàn Quốc, bộ đội Việt Nam còn phải dựng lán trại trong rừng rậm để bảo vệ khu vực cách ly. Bánh mì – thứ đặc sản của người Việt thì bị họ gọi là “thứ đồ ăn thấp kém”.
Phóng sự trên YTN News chê trách người Việt đối xử tệ với du khách Hàn bị cách ly ở Việt Nam gây phẫn nộ
Cần phải hiểu rằng, 20 du khách Hàn Quốc này đến từ tâm dịch Covid-19 Deagu. Bởi vậy, cách ly là biện pháp bắt buộc tất cả những người đến từ vùng dịch bệnh, không có ngoại lệ. Quốc gia nào cũng hành xử như vậy vì đó là khuyến cáo và quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức 4, mức cao nhất. Việt Nam là nước nằm trong diện có nguy cơ cao việc bùng phát dịch Covid-19. Thế nên việc thực hiện quy trình cách ly không chỉ dành riêng cho người dân Việt Nam từ vùng dịch trở về mà ngay cả những người nước ngoài đến từ vùng dịch đều cũng buộc phải áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc. Đáng lẽ những du khách đến từ đất nước văn minh thì với nhận thức cao thì cần phải hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Trái lại họ lại tìm cách gây khó dễ, đẩy chính quyền TP Đà Nẵng thế khó. Do đó, khi đứng trước 2 sự lựa chọn, một là ở lại Việt Nam và phải chấp nhận vào khu vực cách ly tập trung, hai là quay trở lại Hàn Quốc. Và họ đã chọn giải pháp thứ hai. Nhưng khi vừa đặt chân về nước, đám du khách này lại có những nhận xét thiếu thiện chí với Việt Nam và có ý chê bai, khinh thường bánh mỳ, là khoái khẩu và món ăn truyền thống của Việt Nam.
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, hạ tầng của ngành y tế chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhưng Việt Nam đã nỗ lực điều trị thành công 16/16 ca nhiễm Covid-19. Điều này đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đạt các kết quả tích cực, công tác giám sát, cách ly và điều trị đã được triển khai đồng bộ. Việt Nam thực hiện cách ly, theo dõi và chăm sóc tận tình với những người Việt Nam lẫn du khách đến từ vùng dịch trong khả năng của mình. Thành công này, đánh dấu sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng của Việt Nam. Đáng lẽ khi ở vào tình cảnh này, đoàn khách du lịch Hàn Quốc phải hợp tác với các cơ quan y tế của Việt Nam trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đó là đạo lý, thể hiện ý thức, tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và của cả cộng đồng. Điều đáng tiếc là họ không suy nghĩ thấu đáo mà đã vội vàng “vơ đũa cả nắm” chỉ trích, nói xấu chính quyền và người dân TP Đà Nẵng.
Khi cư dân mạng Việt Nam lên tiếng phản ứng một các mạnh mẽ cách phản ảnh thiếu công tâm, khách quan và có phần chủ quan, phiến diện của đài truyền hình Hàn Quốc YTN News cũng như thái độ, cách sử sự thiếu văn minh, lịch sự của 20 du khách Hàn Quốc đến từ Daegu đã gây ấn tượng mạnh với cư dân mạng Hàn Quốc. Hashtag #ApologizeToVietnam (Xin lỗi Việt Nam) trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Naver (công cụ tìm kiếm của Hàn Quốc) với sự đồng tình của nhiều cư dân mạng nước này. Mới đây, một vlogger Hàn Quốc đã thực hiện video phân tích cách hành xử thiếu văn minh của vụ việc 20 du khách Daegu và đã cúi đầu xin lỗi Việt Nam. Trên trang YouTube cá nhân, chủ kênh “Ông chú Hàn Quốc” (vlogger Oh Se Jong, tên tiếng Anh là Johnny Oh) đã đăng tải đoạn clip “Tôi vô cùng xin lỗi #ApologizeToVietnam”. Đoạn clip dài hơn 10 phút, được trình bày bằng tiếng Hàn và ghép phụ đề tiếng Việt.
Vlogger Hàn Quốc làm clip xin lỗi Việt Nam và khẳng định 20 du khách Deagu hay YTN không đại diện cho tất cả người Hàn
Cuối vlog, chủ kênh “Ông chú Hàn Quốc” còn gây bất ngờ khi cúi đầu xin lỗi, hy vọng có thể xoa dịu được sự giận dữ mà kênh truyền thông YTN News đã gây ra. Sau khi cư dân mạng bị “ném đá” vì đăng tin chê khu cách ly, xem thường bánh mì, YTN News đã có phản hồi chính thức về sự việc. Tuy nhiên, đài này chỉ đính chính bằng một bình luận sơ sài, mà không thừa nhận việc đăng tải thông tin không đúng sự thật, khiến cho cộng đồng mạng Việt Nam tiếp tục dậy sóng.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhờ đó mà tình cảm người dân hai nước ngày càng được củng cố, gắn bó sâu đậm. Xin đừng vì một chút cái tôi mà có những phát ngôn chủ quan thiếu thiện chí, không phải đại diện cho người dân đất nước Hàn Quốc khiến cho câu chuyện tưởng như đơn giản thành phức tạp. Điều đó chỉ làm tổn hại, sứt mẻ quan hệ và tình cảm của người dân hai nước mà thôi.
Nhật Khánh