Ngày 3.1, cả thế giới “choáng váng” khi Mỹ tấn công giết chết tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds và là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran.
Người biểu tình Iran cầm di ảnh tướng Soleimani, phản đối vụ không kích của Mỹ
Việc Mỹ giết chết một quan chức cấp cao của Iran – một quốc gia hợp pháp, và vụ việc xảy ra ở Iraq – một quốc gia có chủ quyền hợp pháp, khiến cho Washington bị chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều phía. Đến ngày 8.1, trong tư thế “nạn nhân”, Iran phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ để trả đũa.
Thế nhưng, trong lúc đang căng thẳng, quân đội Iran cũng đã bắn nhầm một máy bay dân sự của Ukraine làm chết hơn 170 người. Vài ngày sau, thừa nhận bắn nhầm, Tehran từ vị trí “nạn nhân” đã trở thành “tội đồ”, hứng chịu chỉ trích của nhiều nước. Chắc chắn, vụ bắn nhầm máy bay dân sự nằm ngoài trù liệu của các bên, nên diễn biến này chẳng khác nào “ý trời” đã giúp Washington phần nào hưởng lợi về mặt chính trị quốc tế.
Tương tự, hồi giữa năm 2019, bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan, được dự đoán không dễ gì tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Thế nhưng, ở nửa sau của năm 2019, tình hình biểu tình Hồng Kông trở nên căng thẳng, bùng phát thành xung đột mà có lúc gần như khó kiểm soát. Việc này khiến cho tâm lý “thoát Trung” trở nên dâng cao ở Đài Loan, mà “thoát Trung” lại là đường hướng nổi bật của bà Thái. Thế là, cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông cũng đã tác động mạnh mẽ đến bầu cử ở Đài Loan, “vô tình” giúp cho bà Thái thắng lớn, bất chấp những tác động từ Trung Quốc đại lục.
Đó có lẽ là những điển hình cho câu mà người Trung Quốc hay nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Ngô Minh Trí