Báo cáo tại Quốc hội sáng 4-11, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết trong năm 2019 có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị 182 triệu đồng; Chính phủ phát hiện, xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị 3,99 tỉ đồng.
Trình bày báo cáo tại Quốc hội sáng 4-11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực, nhất là các chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý đầu tư, tài chính, tài sản công.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại Quốc hội – Ảnh: Quochoi.vn
Trong đó, việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng truyền thống tốt đẹp để đưa hối lộ, tham nhũng. Cụ thể, trong năm 2019 có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng. Chính phủ cũng phát hiện, xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2019 có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các biện pháp tăng cường phòng chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế”- ông Lê Minh Khái nói.
Về kết quả công tác thanh tra, ông Lê Minh Khái cho biết trong năm 2019, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 7.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 252.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 82.000 tỉ đồng và trên 819 ha đất. Ngoài ra, ngành thành tra cũng kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 102 vụ, 181 đối tượng. Bên cạnh đó, tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hơn 4.100 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, xử lý, thu hồi gần 8.200 tỉ đồng, 340 ha đất; xử lý hành chính 1.445 tổ chức, 3.800 cá nhân; đôn đốc việc khởi tố 146 vụ, 28 đối tượng.
Tuy nhiên, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Năm 2020, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng”- ông Lê Minh Khái cho biết.
Về nguyên nhân, ông Lê Minh Khái cho rằng một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt. Một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng…
Báo cáo tại Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng Uỷ ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.
Đáng chú ý, theo bà Lê Thị Nga, trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn… “Dư luận cử tri cho rằng trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi. Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ.
Nguyễn Hưởng