Saturday, November 23, 2024

Đề nghị giữ hình thức giáng chức để cán bộ phấu đấu?

Chiều 24/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo Luật không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến số lượng lớn đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về việc không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay hiện còn 2 phương án. Một là, không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 02 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”. Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm.

Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

Hai là, giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức theo phương án 1.

Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua tổng hợp, ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, theo đó những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không…

Tuy nhiên, do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định.

Chiều cùng ngày, sau khi nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên), cho rằng nên giữ kỷ luật giáng chức. Theo ông Trà, tuy thực tế áp dụng rất ít, nhưng giữ hình thức này là cần thiết.

“Một đồng chí đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng được, thì giáng xuống làm cấp phó hoặc xuống trưởng phòng. Chứ bây giờ vi phạm trên mức cảnh cáo mà cách chức, từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất là phí về phẩm chất chuyên môn”, ông Trà nêu quan điểm và cho rằng “nên duy trì hình thức giáng chức, nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không lợi dụng giáng chức để né cách chức”.

Tương tự, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức vì có những vi phạm không đến mức phải cách chức toàn bộ. “Với những vi phạm nhỏ thì đang là trưởng phòng giáng chức xuống phó phòng thôi. Tất nhiên là nếu còn chỗ. Nhất thiết gì phải cách chức, mất đi cả quá trình người ta phấn đấu”, đại biểu Thành nói.

Đại biểu Y Khút Niê (đoàn Đắk Lắk) cũng cho rằng nên giữ lại hình thức giáng chức để cán bộ phấn đấu.

Tuy nhiên, có quan điểm ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng không nên giữ hình thức giáng chức.

“Vì sao còn giáng chức? Nếu không xứng đáng thì cách chức đi phân công người khác, còn chưa đến mức cách chức thì cảnh cáo ông ấy là được rồi”, đại biểu Hòa nói.

Liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà cho rằng, kỷ luật cán bộ nghỉ hưu thì phải làm rõ tính pháp lý các văn bản mà người này chịu trách nhiệm. Ví dụ, ông hiệu trưởng ký cho tôi bằng đại học, bây giờ bị cách chức hiệu trưởng thì bằng đó như thế nào?.

“Chúng ta cần quy định, chứ không có chuyện đổi bằng”, ông Trà nói.

Cũng theo ông Trà, thực tế có việc một hiệu trưởng được bổ nhiệm làm thứ trưởng hoặc bộ trưởng, nhưng sau đó lại bị kỷ luật cách chức thời làm hiệu trưởng. Khi đó, chức Thứ trưởng, Bộ trưởng sẽ xử lý ra sao.

Từ đó, ông đề nghị phải nghiên cứu sâu để quy định cụ thể. Vì không có cấp dưới thì làm sao lên được cấp trên, giống như không có bằng cấp 3 thì làm sao có bằng tiến sỹ.

Minh Thái (Tổng hợp)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG