Saturday, November 23, 2024

Đồng Nai: 13 tấn cá chết vì công an xã ra quyết định lộng quyền

Đứng trên bờ ao rộng hơn 1ha bốc mùi hôi hám nồng nặc, bà Trần Thị Lan (SN 1959, ngụ tổ 10, ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) vừa khóc vừa kể lại câu chuyện.

Đồng Nai: 13 tấn cá chết vì công an xã ra quyết định lộng quyền

Bà Lan mếu máo bên bờ ao cá chết trắng

Không cho người nuôi mang cá đi bán

Sáu năm trước bà mua lại ao cá gần khu vực hồ Trị An thuộc ấp Hòa Thành, để nuôi cá mưu sinh. Nhiều mùa trước không sao, bỗng nhiên cuối tháng 4/2019 vừa qua, nhân lúc bà về quê lo việc ma chay cho mẹ mình thì hay tin người hàng xóm là vợ chồng ông Bùi Tuấn Giang (đều là cán bộ lâm nghiệp đã về hưu) tố mình ăn trộm cá.

Vì lời tố cáo vu vơ này, Công an xã Ngọc Định đã tạm giữ nhiều giờ chiếc xe tải đang chuẩn bị chở cá của nhà bà đi bán khiến hàng tấn cá bị chết. Chưa hết, số cá chết bị công an xã buộc phải đổ ngược xuống ao, khiến hàng chục tấn cá dưới ao chết lây vì ô nhiễm, hôi thối.

Đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết được, vào trưa ngày 23/4/2019, trong khi đang chuẩn bị thu hoạch cá trong ao, bà Lan nhận được tin mẹ mình ốm nặng ở quê Thanh Hoá. Vì không chồng con, bà Lan nhờ người em gái là bà Trần Thị Tình (SN 1973) ở lại trông coi ao cá, bà chuẩn bị về quê. Đến cuối ngày, mấy chị em lại nhận được hung tin người mẹ đã qua đời.

Gác lại mọi việc, mấy chị em bà lập tức lên đường về quê trong đêm để lo tang ma cho mẹ. Việc trông coi ao và bán cá, trước khi về, bà Lan có nhờ hàng xóm là bà Trần Thị Vân (tên thường gọi là Thu, SN 1969) và bà Hồ Thị Sâm (SN 1958) cân cá bán giúp.

Là người trực tiếp chứng kiến vụ việc, bà Vân kể lại: “Sáng ngày 24/4, khi tôi cùng người mua đang cho cá lên xe chở đi thì bất ngờ vợ chồng ông Giang xuất hiện yêu cầu dừng việc mua bán cá, luôn miệng bảo tôi thông đồng với chị Lan ăn cắp cá của ông ấy. Sau đó lực lượng Công an xã Ngọc Định xuất hiện dưới sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thuỷ, Trưởng Công an xã, yêu cầu xe chở cá về trụ sở Công an xã làm việc”. 

Ngay lập tức, hai xe gồm một xe ba gác và một xe tải chở hơn hai tấn cá chuẩn bị đưa đi bán được đưa lên xã. Sau gần 5 tiếng đồng hồ làm việc, lập đủ loại biên bản, một xe ba gác cá mồi (loại cá nhỏ dùng để làm thức ăn chăn nuôi – PV) khoảng 900kg được cho đi, còn xe cá chợ (các loại cá lớn hơn) khoảng gần 1,2 tấn, bị công an xã buộc phải đổ ngược lại xuống ao nuôi.

Theo bà Lan và nhiều hàng xóm, hành động đổ cá đã thu hoạch nhiều giờ đồng hồ trở lại ao khiến số cá gần 1,2 tấn chết hết, dẫn tới việc ô nhiễm hồ nuôi. Từ đó, cá chưa thu hoạch trong hồ cũng đồng loạt thi nhau chết.

Bà Đặng Thị Ánh (SN 1968, một hàng xóm) cho biết: “Sau khi biết tin cá chết, chị Lan từ quê có điện thoại nhờ tôi đến vớt để tránh ảnh hưởng tới hồ nuôi. Tuy nhiên cá chết liên tục, tôi bắt đầu vớt từ ngày 26/4 tới nay, trung bình mỗi ngày vớt khoảng 1 tấn đủ các loại cá, tới nay tôi đã vớt được khoảng 13 tấn cá chết”.

Tính tới hôm nay đã hai tuần, cá chết thì vẫn cứ chết còn chuyện trách nhiệm thuộc về ai thì cứ im lìm. Sau khi lo tang ma cho mẹ trở lại, ngày 7/5, túng quá bà Lan lại kêu thương lái vào thu mua cá thì ông Giang cùng hai công an viên tiếp tục xuất hiện ngăn cản không cho đưa cá đi. “Tôi sống dở chết dở bởi bao nhiêu tài sản đời tôi đã đổ xuống hết ao cá. Mỗi ngày đứt từng đoạn ruột khi nhìn cá chết”, bà Lan mếu máo.

Dấu hiệu huỷ hoại tài sản

Địa phương đã có động thái gì sau khi sự việc xảy ra? Ngày 25/4, lúc bà Lan chưa kịp vào, người được nhờ trông ao cá giúp là bà Hồ Thị Sâm khi phát hiện cá bắt đầu chết, đã báo ngay cho Chủ tịch UBND xã Ngọc Định.

Vị Chủ tịch xã được cho là đã bảo bà Sâm qua Công an xã làm việc. “Tuy nhiên khi tôi qua công an xã báo tin thì chỉ nhận được câu hỏi của mấy chú công an viên là “ai điều đi?” rồi họ phớt lờ luôn, mấy ngày sau cũng không có ai tới ao để xác nhận tình hình, trong khi cá ngày nào cũng chết trắng ao”.

Theo bà Trần Thị Tình (em gái bà Lan), nguyên nhân sâu xa của sự việc xuất phát từ việc tranh chấp đất giữa bà Trần Thị Xa (người đã bán ao cho bà Lan) và ông Bùi Tuấn Giang. Tuy nhiên, ông Giang không đi làm việc với bà Xa mà quay lại gây khó dễ cho bà Lan, thậm chí còn tố cáo sai sự thật, đòi lực lượng Công an xã tới tạo áp lực. Bà nông dân nuôi cá vốn đã ốm o gầy gò, sau sự việc lại càng hốc hác, ai chứng kiến sự việc bà khóc ròng bên bờ ao đều động lòng thương cảm.

Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Định, ông Dũng cho biết: “Sự việc trên xã đã nắm bắt, phía Công an xã đã có gửi báo cáo qua và đang tiến hành xử lý, trả lời bằng văn bản tới các bên”. PLVN cũng liên hệ nhiều lần với bà Nguyễn Thị Thuỷ, Trưởng Công an xã Ngọc Định để trao đổi, làm rõ vụ việc, nhưng chưa có phản hồi.

Trong vụ việc này có hai hành vi cần phải được xem xét, đó là hành vi giữ xe cá và hành vi đổ xe cá chết xuống ao. Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP HCM), với hành vi giữ xe cá, nếu công an xã biết rõ là cá của bà Lan nhưng vẫn cố tình bắt giữ, thì hành vi này có dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ( Điều 356 Bộ luật Hình sự – BLHS) nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ trên 10 triệu đồng.

Đối với hành vi đổ xe cá chết lại xuống ao, nếu biết rõ hoặc đã được người khác cảnh báo việc đổ cá chết xuống ao sẽ làm ô nhiễm ao và gây chết lây toàn bộ cá dưới ao nhưng vẫn làm, thì hành vi có dấu hiệu của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS), nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ trên 2 triệu đồng.

Trong trường hợp công an xã nghĩ đơn giản là yêu cầu đổ cá xuống ao để trả lại tài sản “trộm” thì công an xã có dấu hiệu của tội Vô ý làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180 BLHS) nếu tài sản bị thiệt hại từ trên 100 triệu đồng. Ngoài trách nhiệm hình sự, còn chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường toàn bộ thiệt cho người bị hại.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến sự việc.

Khánh Toàn – Vĩnh Hòa

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG