Kỳ 1: Đánh mất phẩm hạnh của bậc tu hành
Bày ra mê hồn trận “lễ phí” để tận thu
Năm 2018, khi chính quyền xã Sơn Trạch vận động người dân đóng 400.000đ/hộ làm đường xây dựng nông thôn mới thì linh mục Nho lại tìm cách ngăn cản, cấm đoán. Song chỉ ít ngày sau, linh mục Nho lại hô hào kêu gọi giáo dân góp 1 triệu đồng/hộ làm đường vào nhà thờ. Có thể thấy rõ ý đồ của linh mục Nho không vì lợi ích chung của cộng đồng mà muốn gom cả tiền bạc lẫn công sức của giáo dân vào phần mình. Lúc đó, linh mục Nho vừa có tiền dùng vào mục đích riêng, vừa có thành tích chống đối chính quyền và xây dựng cơ sở vật chất cho giáo hội để ghi điểm với tòa giám mục.
Giáo xứ Hà Lời
Lợi dụng những nhiệm vụ được giám mục ủy thác như: ban bí tích rửa tội, ban bí tích thêm sức cho những người nguy tử, bí tích xức dầu, chứng hôn và chúc hôn; cử hành lễ nghi an táng… linh mục Nho bày ra đủ loại “lễ phí” để tận thu. Điều đó khiến cho đời sống giáo dân nơi đây vốn đã nghèo khó nay lại khó khăn chồng chất khi phải oằn lưng gom góp tiền để nộp đủ các loại phí theo yêu cầu linh mục Nho đặt ra. Nếu không nộp đủ thì giáo dân sẽ không thể yên được với linh mục Nho. Lợi dụng mỗi khi làm lễ, hay rao giảng, linh mục Nho thường đưa những trường hợp giáo dân chậm trễ trong việc nộp tiền ra làm chủ đề để bêu tên, nói xấu. Tuy tự đặt ra các khoản “lễ phí” như vậy nhưng việc theo dõi việc thu chi, sử dụng các khoản thu vào mục đích gì chỉ có mỗi linh mục Nho biết, còn hội đồng mục vụ của giáo xứ chỉ đóng vai trò bình phong.
Mới đây, linh mục Nho lại đóng vai trò “đạo diễn” cho các giáo dân làm đơn gửi UBND tỉnh để nghị tăng vé thuê thuyền tham quan động Phong Nha 360.000đ/lượt và 2 động (Phong Nha và Tiên Sơn) 400.000đ/lượt lần lượt lên mức 500.000đ/thuyền và 560.000đ/thuyền. Kiến nghị đề xuất tăng giá vé của bà con có thuyền phục vụ khách du lịch tham quan đang được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên việc điều chỉnh phải theo đúng quy định của pháp luật, điều kiện thực tế và có lộ trình chứ không thể tăng đột biến như vậy. Vì nếu tăng đột ngột sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh nhà, nhất là đối với các hãng lữ hành đã ký hợp đồng với các tour du lịch trước đó.
Trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, việc tạo sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trong vùng đệm di sản luôn được các cấp ủy, chính quyền của tỉnh và huyện Bố Trạch quan tâm. Bởi vậy việc người dân xã Sơn Trạch và các xã phụ cận, trong đó có giáo dân ở giáo xứ Hà Lời đầu tư mua sắm thuyền cho thuê phục vụ chở khách du lịch là hướng đi phù hợp nhằm cải thiện đời sống. Song cần phải nhìn nhận một thực tế là, ngành du lịch ở Quảng Bình bị chi phối và ảnh hưởng rất lớn của yếu tố thời tiết nên hoạt động chủ yếu theo mùa vụ, một năm bình quên chỉ được khoảng 6 tháng. Không riêng gì hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh mà ngay cả tại khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Do đó, ngoài thời gian chạy thuyền phục vụ khách du lịch, khoảng thời gian còn lại người dân cần phải tìm thêm nghề khác để kiếm sống. Chứ không thể lấy bình quân thu nhập chạy thuyền của 6 tháng để chia bình quân 12 tháng như phép tính cơ học mà linh mục Nho vẽ ra với chỉ khoảng 800.000đ/tháng là hoàn toàn không phù hợp.
Ý đồ sâu xa của linh mục Nho lợi dụng vấn đề tăng vé thuê thuyền để kích động bà con giáo dân nghỉ chạy thuyền phục vụ khách du lịch trong đợt cao điểm 30-4 và 1-5-2019 không gì khác là nhằm trục lợi cho bản thân. Nếu kiến nghị, đề xuất của bà con giáo dân được UBND tỉnh chấp thuận thì linh mục Nho sẽ đạt được 2 mục tiêu. Trước tiên, đó là “thắng lợi tinh thần” và các giáo dân sẽ mang ơn mưa móc của linh mục Nho, sau này linh mục nói gì giáo dân phải răm rắp nghe theo. Điều quan trọng hơn là giáo dân buộc phải chi phần trăm hoa hồng hoặc phải “lại quả” theo tỷ lệ thỏa thuận ngầm giữa các giáo dân với linh mục Nho về số tiền được tăng thêm.
Để thực hiện ý đồ trên, liên tiếp trong các buổi rao giảng tại nhà thờ giáo xứ Hà Lời hay nhà thờ các giáo họ trong thời gian qua, linh mục Nho đã yêu cầu giáo dân nghỉ chạy thuyền trong các ngày từ 29-4 đến ngày 1-5-2019 nhằm gây sức ép với UBND tỉnh tăng giá thuê thuyền của bà con giáo dân vụ khách du lịch tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Đồng thời linh mục Nho kích động giáo dân phản đối việc thành lập HTX chạy thuyền du lịch với luận điệu “bị chính quyền lợi dụng, chính quyền bề trên ăn hết” và “sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi của giáo dân”. Ngang ngược hơn, linh mục Nho tuyên bố sẽ đích thân ra chặn thuyền của giáo dân nếu không chịu nghe lời. Trong đợt cao điểm du lịch năm nay, nếu bà con giáo dân nghe theo lời kích động của linh mục Nho dừng chạy thuyền chắc chắn sẽ thiệt đơn, thiệt kép. Lúc đó thu nhập bị giảm sút và thương hiệu du lịch “Quảng Bình – Vương quốc của hang động” cũng bị ảnh hưởng.
Lợi dụng chủ trương của tòa giám mục giáo phận Hà Tĩnh để trục lợi
Sau khi chia tách giáo phận Hà Tĩnh, do cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lễ lượt, sinh hoạt tôn giáo còn thiếu thốn. Chính vì vậy, trong phiên họp của tòa giám mục giáo phận mới đây, giám mục tiên khởi Nguyễn Thái Hợp kêu gọi mỗi hộ gia đình giáo dân ủng hộ 300.000đ/hộ. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp để huy động sự đóng góp của giáo dân nhằm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở vật chất cho giáo hội. Ở các giáo xứ trên địa bàn tỉnh đều thông báo rộng rãi cho giáo dân mức đóng góp này. Nhưng khi về đến giáo xứ Hà Lời, linh mục Nho lại yêu cầu đóng góp 500.000đ/hộ. Việc tăng thêm 200.000đ/hộ chỉ để lại cho linh mục Nho quản lý. Làm gì với số tiền này, sử dụng vào mục đích gì giáo dân không hề được biết. Bức xúc trước việc tăng quá nhiều so với mức vận động ban đầu của tòa giám mục và vượt quá điều kiện thu nhập đã có rất nhiều giáo dân rất bất bình, phản đối nên vẫn chưa chịu nộp.
Linh mục Dương Sĩ Nho
Có thể thấy rõ linh mục Nho tìm cách lợi dụng chủ trương của tòa giám mục giáo phận Hà Tĩnh để trục lợi, tư túi cá nhân. Điều này, tòa giám mục giáo phận Hà Tĩnh cũng cần phải có chính kiến và yêu cầu linh mục Nho chấm dứt. Không nên để một chủ trương phù hợp của tòa giám mục bị lòng tham của linh mục Nho lợi dụng, làm vấy bẩn. Nếu không sẽ làm hoen ố hình ảnh giáo hội, ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín của giáo phận non trẻ vừa mới ra đời chưa lâu.
Người xưa có câu “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, với cách hành xử trong thời gian vừa qua, nhiều người đặt câu hỏi liệu Dương Sĩ Nho có còn xứng đáng là linh mục. Tha hóa về nhân cách, luôn giữ thói hành xử côn đồ, hành động của linh mục Nho đã vượt quá chức phận của vị chủ chăn. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần phải vào cuộc để xử lý kịp thời, không thể để linh mục Nho mãi tác oai, tác quái ở giáo xứ Hà Lời.
Khánh Hữu