Thời gian qua, trong khi dư luận quốc tế đánh giá cao những thành tựu về nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được thì không ít kẻ phản động, cơ hội chính trị thông qua các trang mạng xã hội lại lu loa, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở nước ta. Thậm chí, một số kẻ còn lớn tiếng kêu gọi, kích động các phần tử quá khích tụ tập đông người, tuần hành, biểu tình nhằm đòi chính quyền “đảm bảo quyền con người”. Tuy nhiên, những thủ đoạn trên xem ra không thuyết phục được dư luận chân chính, vì tự thân nó đã thể hiện một thái độ hằn học, không phản ánh đúng tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng xã hội là phương thức đảm bảo nhân quyền cơ bản và thiết thực nhất. Ảnh: Đinh Hùng
Từ bôi nhọ đến vu khống
Áp dụng chiến lược “Diễn biến hòa bình” với Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng các thủ đoạn phi quân sự, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… để phá hoại từ nội bộ, hòng tạo ra lực lượng chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, chúng đặc biệt quan tâm tới thứ “vũ khí” mà tự chúng cho là rất lợi hại, đó là con bài lợi dụng những vấn đề về nhân quyền.
Không khó để nhận thấy, trước mỗi sự kiện chính trị, lịch sử lớn của đất nước, những kẻ cơ hội chính trị, những kẻ tự xưng là “những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền” lại tìm cách phát tán các luận điểm xuyên tạc, bôi nhọ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Để tăng thêm “sức mạnh” cho những thông tin ngụy tạo, sai trái, được sự hà hơi, tiếp sức của các “quan thầy”, chúng lén lút tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi thực hiện quyền con người như: Quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội… theo tiêu chí phương Tây, bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị ở Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, chúng tìm mọi cách móc nối, dụ dỗ, lôi kéo người mơ hồ về chính trị vào các hoạt động đòi đa nguyên, đa đảng và khởi kiện, vu cáo Nhà nước ta vi phạm nhân quyền.
Nhằm tạo ra tâm lý phản kháng, kích động quần chúng chống lại chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước ta, chúng còn tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia cái gọi là “chống tiêu cực”, “chống tham nhũng” hay “bảo vệ môi trường”, đồng thời, tìm cách thúc đẩy, khuyến khích cán bộ, đảng viên và người dân tích cực tham gia phản biện chính sách, phản biện xã hội, tác động và gây sức ép đòi thay đổi chính sách, hệ thống pháp luật, đặc biệt là sửa đổi, ban hành các luật thực hiện quyền con người theo tiêu chí phương Tây.
Bên cạnh đó, lợi dụng đời sống của một bộ phận nhân dân ta còn khó khăn, sự thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn hoạt động chính của chúng là tung tin thất thiệt, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm nhân quyền. Qua đó, chúng ra sức tập hợp lực lượng gồm những đối tượng có hận thù với cách mạng, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để tạo dựng ngọn cờ, lực lượng, gây mất ổn định chính trị – xã hội, tạo các “điểm nóng” để vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Chủ động bẻ gãy “mũi tiến công” lợi dụng nhân quyền
Có một thực tế không thể chối cãi là để thực hiện và bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp và pháp luật, căn cứ tình hình thực tiễn ở Việt Nam và trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo luật pháp quốc tế về vấn đề nhân quyền, những năm qua, Nhà nước ta luôn thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam đã chấp thuận. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền với các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm tới vấn đề này ở nước ta.
Ở một góc độ khác, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú ý việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, coi đây là nội dung hết sức quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân gắn với bảo đảm các quyền của con người, vì sự phát triển toàn diện của con người. Cùng với đó, Nhà nước ta cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của nhân dân. Đặc biệt, hệ thống pháp luật ở Việt Nam luôn được điều chỉnh và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm sự tương thích quốc tế.
Hiện đã có hơn 100 văn bản pháp luật có nội dung điều chỉnh về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành mà điển hình là Hiến pháp năm 2013 với rất nhiều nội dung liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được sửa đổi theo hướng tiến bộ. Chẳng hạn như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xác định không phải chỉ công dân mới có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà là quyền tự thân, vốn có của mọi người và được Nhà nước bảo hộ. Ngoài ra, công tác chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa – thể thao, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc cũng thường xuyên được quan tâm, đẩy mạnh…
Từ những kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực vừa nêu, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, có thể nói, những thành tựu về nhân quyền mà nước ta đã đạt được là rất to lớn. Sở dĩ có thể nói như vậy là bởi, nhân quyền, với ý nghĩa sâu xa, cuối cùng chính là việc con người được xã hội quan tâm tạo điều kiện để có thể phát triển toàn diện về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Và điều này có thể giải thích được vì sao thời gian qua, dư luận thế giới luôn ca ngợi và ghi nhận các thành tựu cụ thể về dân chủ, nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, không ít kẻ phản động, bất mãn, cơ hội chính trị vãn kêu gào, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Thậm chí, như trên đã nói, không ít kẻ còn lớn tiếng kêu gọi, kích động các phần tử quá khích tụ tập đông người, tuần hành, biểu tình nhằm đòi chính quyền “đảm bảo quyền con người”.
Điều này cũng dễ hiểu, vì từ trước đến nay, những vấn đề liên quan đến nhân quyền luôn là âm mưu xảo quyệt của các thế lực thù địch cùng những kẻ cơ hội chính trị lợi dụng để chống phá Việt Nam. Và nhân quyền cũng luôn là “mảnh đất màu mỡ” để chúng kích động, nuôi dưỡng các tổ chức phản động, tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, gây đối trọng với cấp ủy, chính quyền địa phương, hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước, gây mất ổn định chính trị – xã hội…
Trước tình hình trên, việc chủ động nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam là rất quan trọng, cấp thiết. Bên cạnh việc triệt để tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về nhân quyền, trong đó, tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá; đồng thời giúp các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng, đề cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, không tiếp tay cho chúng làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước.
Song song với đó, các cơ quan chức năng cần chủ động bẻ gãy “mũi tiến công” lợi dụng nhân quyền của các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các vấn đề về nhân quyền để kích động, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Đình Hùng