Nếu được thành lập, đây sẽ là binh chủng đầu tiên ra đời tại Mỹ trong 72 năm qua. Câu hỏi đặt ra lúc này là mối đe dọa chiến lược nào đã khiến nước Mỹ phải nhanh chóng thành lập một Lực lượng Vũ trụ độc lập.
Tổng thống Trump giơ sắc lệnh Chính sách Vũ trụ 4 mà ông vừa ký, mở đường thành lập quân chủng Lực lượng Vũ trụ.
Ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí sắc lệnh Chính sách Vũ trụ 4 (SPD-4), đặt nền tảng cho một dự luật có thể thành lập Lực lượng Vũ trụ như một quân chủng mới vào năm 2020.
Phát biểu tại lễ kí diễn ra ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump khẳng định Lực lượng Vũ trụ là một ưu tiên an ninh quốc gia. Nếu được thành lập, đây sẽ là quân chủng đầu tiên ra đời tại Mỹ trong 72 năm qua. Không quân Mỹ là quân chủng non trẻ nhất của nước này, được bổ sung vào lực lượng vũ trang ngay sau Thế chiến thứ hai.
Mặc dù Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi thành lập một Lực lượng Vũ trụ độc lập, nhưng không có nhiều tiếng nói ủng hộ ông ở cả Lầu Năm Góc và Đồi Capitol. Những người chỉ trích cho rằng Không quân Mỹ đang hỗ trợ đầy đủ cho các nỗ lực quốc phòng trong không gian, việc thành lập một lực lượng mới sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém tiền của và làm sao nhãng cuộc cạnh tranh quyền lực hiện tại với Nga và Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao Tổng thống Trump lại quyết liệt đưa vấn đề Lực lượng Vũ trụ ra lúc này? Đâu là mối đe dọa chiến lược khiến nước Mỹ phải nhanh chóng thành lập một Lực lượng Vũ trụ độc lập?
Hình ảnh bên ngoài Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: NASA
Cuộc đua “khống chế” cực Mặt trăng
Ngày 3/1/2019, tàu thăm dò không người lái Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống khu vực hố Von Karrman ở cực nam Mặt trăng, nằm ngay trên “vùng tối Mặt trăng” – khu vực chưa từng được loài người khám phá. Chỉ trong vòng một ngày, tàu thăm dò Thỏ Ngọc 2 đã lăn bánh, bắt đầu chương trình khám phá môi trường xung quanh.
Theo tờ National Review, các cực Mặt trăng là mối quan tâm mang tính khoa học và cả thương mại vì lớp băng được bảo tồn ở đó trong bóng tối vĩnh cửu của các miệng hố thiên thạch sâu. Lớp băng này sẽ là cần thiết để hỗ trợ một căn cứ thường trực của con người cũng như các hoạt động thương mại trên Mặt trăng, bao gồm cả việc sản xuất động cơ tên lửa bên ngoài giếng trọng lực Trái đất.
Các cực Mặt trăng cũng rất quan trọng về mặt chiến lược quân sự ở chỗ chúng cung cấp một vị trí ổn định để từ đó có thể liên tục “nhìn xuống” Trái đất. Do đó, chúng sẽ tạo ra một vị trí lý tưởng cho các cảm biến, thậm chí cả vũ khí trong tương lai. Tất cả những điều này rất quan trọng để hiểu rõ quyết định của Trung Quốc về việc hạ cánh và khám phá các vùng cực của Mặt trăng.
Chương trình Vũ trụ Trung Quốc, do Cơ quan Không gian Vũ trụ quốc gia Trung Quốc quản lý, trên thực tế đang chia sẻ cơ sở hạ tầng quan trọng với Lực lượng Tên lửa chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân. Cơ quan này được thành lập vào tháng 12/2015, là lực lượng điểu khiển tên lửa quân sự Trung Quốc.
Những tiếng nói mạnh mẽ ở Trung Quốc đã bắt đầu ủng hộ Bắc Kinh áp đặt yêu sách chủ quyền đối với tài nguyên thô trong không gian. Điều này phù hợp với những nỗ lực khác của Chính phủ Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng lợi ích cốt lõi và xác định lại các quy tắc quốc tế có lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã tuyên bố họ dự định đưa người lên Mặt trăng và thiết lập một căn cứ thường trực ở đó vào năm 2036.
“Chủ quyền theo chiều dọc”
Trong khi đó, Tổng thống Trump và chính quyền của ông cũng đã công nhận rằng Mỹ đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc và Nga, trong đó Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh tích cực và nguy hiểm hơn.
Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc đáp xuống “vùng tối” Mặt trăng. Ảnh: chinanews
Trong lĩnh vực vũ trụ, cả Nga và Trung Quốc được cho là đã đầu tư vào các khả năng tấn công để phá vỡ hoặc phá hủy tài sản của Mỹ trên quỹ đạo. Vào tháng 1/2007, Trung Quốc đã trình làng một vũ khí chống vệ tinh “Trái đất đối vũ trụ” (ASAT) , thực hiện phá hủy thành công mục tiêu giả định nhưng cũng thổi vào không gian hàng nghìn mảnh vỡ tiếp tục bay quanh địa cầu, đe dọa va chạm với vệ tinh thương mại và quân sự của các quốc gia khác. Bắc Kinh sau đó tiếp tục tiến hành nhiều cuộc phô trương ASAT trong suốt thập kỷ qua.
Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đã phóng các vệ tinh thể hiện khả năng thay đổi quỹ đạo và cơ động gần với các vệ tinh khác. Một số nhà phân tích suy đoán rằng công nghệ này có thể hữu ích trong các hệ thống thu giữ hoặc phá hủy các tài sản hiện đang ở trên quỹ đạo.
Ngoài ra, theo National Review, các học giả pháp lý của Trung Quốc đã đưa ra một lập luận rằng không gian phía trên lãnh thổ nước này trong quỹ đạo địa tĩnh là lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc. Lập luận về “chủ quyền theo chiều dọc” này là mới và là mối đe dọa tiềm tàng đối với các tiêu chuẩn đã được chấp nhận.
Hiệp ước Ngoài vũ trụ năm 1967 ngăn cản các quốc gia ký kết Hiệp ước đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với các thiên thể, nhưng đó là cũng một điểm mà Trung Quốc đưa ra để bác bỏ các hiệp ước khi đó được đàm phán trong bối cảnh sức mạnh nước này còn yếu. Những lập luận như vậy sẽ rơi vào tình trạng tranh cãi khi biết rằng các nguồn tài nguyên vũ trụ có thể trị giá tới hàng triệu tỉ đô la chỉ tính riêng vành đai tiểu hành tinh của hệ Mặt trời.
Trong lịch sử, việc cắm lá cờ chủ quyền luôn theo gắn liền lợi ích thương mại, vì vậy giới phân tích cho rằng, Chính phủ Mỹ nên lên kế hoạch ngay bây giờ.
Nước Mỹ có cơ sở thuận lợi để thám hiểm vào không gian. Ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Mỹ sở hữu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và sẵn sàng khai thác các nguồn tài nguyên không giới hạn khắp hệ Mặt trời, bắt đầu từ Mặt trăng, các tiểu hành tinh gần đó và cuối cùng là vành đai tiểu hành tinh chính giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ đối với sức mạnh quân sự trong vũ trụ đã trở nên cứng nhắc và bị ràng buộc. Không quân, quân chủng non trẻ nhất, là một nơi thuận lợi để thể hiện năng lực vũ trụ của quốc gia, nhưng cũng giống như khi Lục quân giúp thành lập lực lượng hàng không quân sự ở Mỹ để rổi lại kìm hãm sự phát triển sau đó của lực lượng này khi Không quân bắt đầu cạnh tranh với các sứ mạng và ngân sách của Lục quân. Vì thế, đã đến lúc phải cắt đứt mối quan hệ phụ thuộc giữa cộng đồng vũ trụ và Không quân để cho phép phát triển sứ mệnh kiểm soát không gian mới một cách độc lập.
Trung Quốc và Nga đang thiết lập các năng lực quân sự trong không gian. Và một Lực lượng Vũ trụ độc lập, theo lời kêu gọi của Tổng thống Trump, sẽ cho phép Mỹ bắt kịp và bảo vệ lợi ích của mình, cả trong không gian và trên Trái đất.
Thu Hằng/Báo Tin tức