(Dân Việt) Theo Thẩm phán Trương Việt Toàn, Chủ tọa phiên xử vụ hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Vũ “nhôm”, khi lượng hình, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cân nhắc đến tính chất phạm tội, xem xét quá trình cống hiến của hai ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành. Trên cơ sở đó đưa ra mức án là phù hợp, không phải là mức án nhẹ.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (ảnh PV).
Phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm) và 4 bị cáo từng là sĩ quan cấp cao của Công an kết thúc vào ngày sát Tết Nguyên đán (25 Tết). Sau phiên tòa, dù rất bận rộn nhưng Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự -TAND thành phố Hà Nội) vẫn dành cho PV Dân Việt một cuộc trao đổi ngắn xung quanh vụ án này.
Thưa ông vụ án Vũ “nhôm” và đồng phạm có liên quan tới bí mật Nhà nước, như vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa khi tranh luận cũng chia sẻ là rất khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ. Về phía HĐXX có gặp khó khăn gì, thưa ông?
– Đối với vụ án Vũ “nhôm” và đồng phạm có một số tài liệu liên quan tới bí mật Nhà nước, tuy nhiên có thể nói trong quá trình nghiên cứu hồ sơ HĐXX không có gì khó khăn, vướng mắc. Bởi ngoài những tài liệu có tính chất bí mật Nhà nước còn có những tài liệu khác để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo. Không chỉ căn cứ vào các tài liệu mật mà HĐXX còn căn cứ vào các chứng cứ tài liệu khác. Và các tài liệu chứng cứ này cũng đủ cơ sở kết luận các bị cáo có hành vi phạm tội.
Ông Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân tại tòa (ảnh TTXVN).
Sau phiên tòa, có những ý kiến cho rằng mức án tuyên với hai cựu Thứ trưởng Công an là Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành còn nhẹ, ông thấy sao?
– Đối với mức án HĐXX tuyên hai ông cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân là mức án hoàn toàn tương xứng với hành vi phạm tội của họ. Bởi vì trong quá trình công tác hai ông này chỉ có hành vi mang tính gián tiếp chứ không phải là người trực tiếp có tác động để Vũ “nhôm” được thuê rồi chuyển nhượng những bất động sản.
Hành vi của ông Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân là gián tiếp nên việc truy tố hai ôngnày về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ. Mức hình phạt của tội danh này khởi điểm là 3 năm (đến 12 năm tù), khi lượng hình, HĐXX cũng cân nhắc đến tính chất phạm tội, xem xét quá trình công tác và cống hiến của ông Tân và ông Thành đối với ngành Công an. HĐXX tuyên phạt phạt ông Thành 30 tháng tù, ông Tân 36 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là phù hợp, đây không phải là mức án nhẹ.
Là thẩm phán từng ngồi xét xử nhiều vụ án mà người bị truy tố trước tòa từng là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông có cảm nhận gì về những con người này thưa ông?
– Trong số những bị cáo từng giữ những trọng trách, cương vị cao trong quá trình công tác, khi vi phạm pháp luật bị đưa ra xét xử, đứng trước tòa đa số họ đều tỏ ra ân hận với việc làm, hành vi của mình. Tại sao việc làm của họ lại vi phạm pháp luật? Từ kinh nghiệm xét xử có thể nói họ đã cố tình làm sai chứ không phải không biết và họ hy vọng những việc làm đó không bị phát hiện xử lý. Chỉ khi các cơ quan tiến hành tố tụng vào cuộc thì họ mới thực sự hối hận. Trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tại tòa các bị cáo đều thể hiện thái độ ân hận, ăn năn hối hận trước việc làm mình khi đã gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước.
Vũ “nhôm” và các đồng phạm tại tòa (ảnh TTXVN).
Qua xét xử các vụ đại án kinh tế, tham nhũng, ông thấy điều cần phải rút ra là gì để góp phần ngăn ngừa tham nhũng tốt hơn?
– Nhìn chung qua xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chúng tôi thấy có những điều cần quan tâm. Thứ nhất là phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ cơ sở, phát huy dân chủ cơ sở. Đây là một trong những biện pháp rất tốt để phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó là sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Việc kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, liên tục mới ngăn ngừa được tình trạng lộng quyền, rồi dẫn tới những hành vi vi phạm. Khi phát hiện hành vi tham nhũng phải xử lý nghiêm, đảm bảo sự răn đe và phòng ngừa chung.
Cùng với các biện pháp như nêu trên, cần biện pháp để nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trên thực tế có một số người có chức vụ, quyền hạn cao nhưng nhận thức pháp luật, hiểu biết về pháp luật vẫn còn hạn chế nên dễ dẫn tới hành vi sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình phụ trách.
Xin cảm ơn ông (!)
Trong vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm được TAND thành phố Hà Nội xét xử từ ngày 28 đến 30.1, các mức án được tuyên như sau:
Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù; Nguyễn Hữu Bách (từng là đại tá, đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân) 5 năm tù; Phan Hữu Tuấn (từng là Trung tướng, đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân) 5 năm tù. Tất cả cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bùi Văn Thành 30 tháng tù; Trần Việt Tân 36 tháng tù, cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Lương Kết