Trong hôm 6/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án các vụ “bạo lực cực đoan” diễn ra trên đường phố thủ đô Paris, trong bối cảnh làn sóng biểu tình “áo vàng” trỗi dậy một lần nữa.
Người biểu tình tìm cách băng qua sông Seine để tới tòa nhà Quốc hội (Nguồn: AFP).
Bạo lực bùng phát
Những người biểu tình ở Paris đã thiêu rụi nhiều xe cộ và hàng rào chắn tại khu chợ hạng sang trên Đại lộ Saint Germain vào hôm thứ Bảy, nhằm phản đối chi phí sinh hoạt gia tăng và kêu gọi Tổng thống Macron từ chức. Các cuộc biểu tình sau đó trở thành các vụ bạo lực.
Ban đầu, cuộc biểu tình “áo vàng” diễn ra một cách hòa bình tại thành phố thủ đô Pháp, nhưng đến buổi chiều đã bắt đầu biến thành bạo động, sau khi người biểu tình ném nhiều vật thể về phía cảnh sát chống bạo động đang ngăn chặn các cây cầu bắc qua sông Seine.
Lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng đạn hơi cay để chặn người biểu tình băng qua sông hướng đến tòa nhà Quốc hội. Một nhà hàng nổi trên dòng sông Seine đã bị châm lửa đốt và 1 cảnh sát bị thương khi chiếc xe đạp ném từ con phố phía trên rơi vào người.
Vậy là sau 2 tháng kể từ khi làn sóng biểu tình “áo vàng” nhen nhóm gây ra tình trạng bạo lực ở thủ đô Paris, những người biểu tình giờ muốn tạo động lực mới cho phong trào vốn đã bị suy yếu sau những ngày nghỉ lễ trong năm mới. Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống Macron trong tuần qua đã đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với làn sóng biểu tình này, gọi những người biểu tình là những kẻ kích động đang tìm cách lật đổ Chính phủ.
Phong trào biểu tình này bắt nguồn từ sự phẫn nộ của một bộ phận dân chúng, đặc biệt là giới công nhân lương thấp, về nguồn thu nhập suy giảm; và họ tin rằng ông Macron không hề lắng nghe, thấu hiểu điều mà dân nghèo mong muốn mà chỉ chăm chăm thực hiện cải cách theo hướng có lợi cho người giàu.
“Họ không có quyền để chúng tôi rơi vào tình trạng như thế này”- Francois Cordier, một người tham gia biểu tình, nói với AFP – “Chúng tôi đã phát chán vì điều này rồi, chúng tôi đáng lẽ ra phải sống được bằng đồng lương của mình”.
Ngoài thủ đô Paris, hàng nghìn người biểu tình cũng đổ xuống các tuyến đường ở Bordeaux và Toulouse, Tây Nam nước Pháp; Rouen ở miền Bắc và Marseille ở Đông Nam nước này. Theo ước tính, có khoảng 25.000 người trên khắp cả nước đã tham gia biểu tình – theo kênh BFM TV. Con số người biểu tình chỉ bằng 10% so với các tuần đầu phong trào “áo vàng” mới xuất hiện, nhưng lại cao hơn so với tuần trước đó.
Sức ép lớn cho ông Macron
Đến đêm hôm thứ Bảy, lực lượng cảnh sát vẫn phải giải tán nhiều người biểu tình “áo vàng” đang tụ tập tại Đại lộ Champs Elysees. Các hình ảnh được kênh truyền hình phát đi cho thấy nhiều người biểu tình đội mũ trùm đầu đang châm lửa đốt một chiếc xe hơi đậu cạnh lề đường. Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng hôi đồ của các cửa hiệu như hồi tháng 11 năm ngoái.
Chính quyền Pháp đã đổ lỗi cho những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ, chống tư bản và các nhóm cực đoan đã gây ra tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong những tuần gần đây. Phong trào biểu tình “áo vàng” xảy ra vào thời điểm tháng thứ 18 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron, và ngay trong lúc mà ông đang nỗ lực cải cách nền kinh tế.
Hồi tháng 12/2018, Tổng thống Macron đã đưa ra nhiều nhượng bộ với phong trào “áo vàng”, hứa hẹn sẽ giảm thuế cho người hưu trí, tăng lương cho bộ phận công nhân nghèo và bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu – với tổng chi phí khoảng 11 tỷ USD – nhằm dập tắt làn sóng biểu tình.
Những biện pháp trên đánh dấu lần đầu tiên mà Tổng thống Pháp phải đảo ngược các chính sách mà ông từng hứa hẹn – trong đó gỡ bỏ dần các quy định cho nền kinh tế nước này.
Trong bài phát biểu vào ngày cuối năm, Tổng thống Macron đã tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình cải cách của mình, nói rằng: “Chúng ta không thể làm việc ít hơn mà lại nhận nhiều tiền hơn; được giảm thuế mà lại tăng chi tiêu thêm được”.
Phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp kỷ lục, ông Macron hiện đang chịu sức ép phải nhanh chóng thực thi các kế hoạch cải cách của ông trong những tháng tới đây. Các kế hoạch này bao gồm tổ chức một cuộc tranh luận quy mô toàn quốc về các vấn đề sinh thái, thể chế, tài chính…và kết quả các cuộc tranh luận này sẽ được tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách.
Khánh Duy