Các công viên quốc gia Mỹ đã đóng cửa nhà vệ sinh công cộng vì sợ khu vực này sẽ ngập chất thải do không có ai dọn dẹp trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động một phần do hết ngân sách.
Chất thải, rác chất đống
Một trong số đó là Công viên Quốc gia Joshua Tree ở California, cách phía đông Los Angeles 209km. Công viên này cắt giảm hoạt động, dẫn tới không có ai dọn chất thải trong các nhà vệ sinh ngoài trời.
Trong những ngày qua, các nhà vệ sinh ở đây đã hoạt động hết công suất và sau đó đã phải đóng cửa vì sợ mất vệ sinh, gây hại cho sức khỏe.
\
Rác chất đống ngoài khuôn viên Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images
Không giống các lần chính phủ đóng cửa trước đó, nhiều công viên quốc gia vẫn mở cửa nhưng thiếu nhân viên thu dọn rác và không có dịch vụ nhà vệ sinh.
Theo Los Angeles Times, tình trạng vệ sinh trong các công viên đã xấu đi trông thấy do thiếu nhân viên. Du khách bắt đầu phóng uế ngay vệ đường. Rác bắt đầu chất đống quanh các thùng rác đầy ứ.
Nhiều người lo lắng nếu tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài có thể gây tổn hại tới môi trường.
Ông John Garder, giám đốc ngân sách và phân bổ chi tiêu của Hiệp hội Bảo tồn Công viên Quốc gia, nói: “Chúng tôi lo ngại trước thông tin rằng xuất hiện chất thải con người tại những vị trí không phù hợp. Rác thải cũng là một mối quan ngại nghiêm trọng với môi trường tự nhiên”.
Bà Victor Jeres 53 tuổi đi bộ cả ngày trong công viên Joshua Tree cùng anh trai, chị gái và gia đình. Họ thất vọng khi trung tâm đón khách bị đóng cửa. Bà nói: “Sẽ tốt hơn nếu có bản đồ dẫn đường và khuyến nghị từ nhân viên”.
Tại Washington, 17 bảo tàng do Viện Smithsonian quản lý cũng như sở thú quốc gia đã cửa đóng then cài sau khi dùng hết quỹ khẩn cấp. Du khách tới thăm quan chỉ có thể đứng ngoài và họ tức giận với các chính trị gia mọi đảng phái ở Mỹ.
Mọi bảo tàng của Smithsonian đều bị đóng cửa. Ảnh: Getty Images
Laura Vanbragt, sinh viên 20 tuổi tới từ Grand Rapids, bang Michigan, bất bình: “Thật ngu xuẩn. Chỉ cần đối thoại nhiều hơn giữa hai bên, nhượng bộ hơn giữa hai bên”.
Bên ngoài Cục Khắc và In ấn, ông Clint Woods và gia đình đứng xếp hàng cùng các du khách khác chờ tới lượt vào tham quan theo một tour có hướng dẫn viên. Họ đành phải đến đây thay vì các địa điểm nổi tiếng khác đang bị đóng cửa.
Ông Woods 43 tuổi nói về Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo phe Dân chủ ở Quốc hội: “Họ như hai đứa trẻ con cãi nhau. Họ đều nghĩ mình đúng và chỉ trích nhau”.
Nhân viên liên bang khó khăn
Chính phủ Mỹ đã đóng cửa hơn 10 ngày và chưa biết bao giờ mở cửa trở lại. Sự việc gây ảnh hưởng nhiều tới việc quản lý hoạt động thường ngày tại các địa điểm do chính phủ quản lý.
Thực trạng không dám mở cửa khu vực nhà vệ sinh tại các công viên quốc gia – nơi hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đang làm việc không lương – chỉ là một phần.
Hệ thống gồm 62 tòa án nhập cư, ngày thường vốn đã ngập việc, và nay việc lại càng dồn đống trong thời gian đóng cửa phần lớn tòa án. Hàng trăm thẩm phán phải nghỉ và chỉ xử các vụ người nhập cư bị bắt giam.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã mở rộng hệ thống tòa án nhập cư do Bộ Tư pháp quản lý nhằm giảm việc tồn đọng với hơn 800.000 vụ.
Tuy nhiên, theo ông Ashley Tabaddor, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán nhập cư quốc gia, cho biết tình trạng chính phủ đóng cửa sẽ làm phức tạp thêm mọi việc. Ông nói: “Để sắp xếp lại lịch trình giải quyết các vụ này có thể mất vài năm vì mọi thẩm phán đều kín lịch”.
Có 9 bộ đã bị ảnh hưởng trong đợt đóng cửa chính phủ lần này, gồm An ninh Nội địa, Tư pháp, Nhà ở, Nông nghiệp, Thương mại, Nội vụ và Tài chính. Khoảng 800.000 nhân viên chính phủ đã phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương cho tới khi chính phủ mở cửa trở lại.
800.000 nhân viên chính phủ phải nghỉ việc không lương. Ảnh: AFP
Shekina Givens, nhân viên Cục An ninh Giao thông ở Atlanta và là Chủ tịch chi nhánh của một hiệp hội đại diện cho nhân viên chính phủ, cho biết cô tránh dùng thẻ tín dụng và hoãn một số khoản chi tiêu. Cô nói: “Tôi là người duy nhất đi làm trong gia đình và chi trả mọi hóa đơn”.
Nhiều người hi vọng sẽ nhận lương khi chính phủ mở cửa, nhưng điều đó còn chưa chắc chắn. Một số người đã phải làm công việc khác hoặc xoay tiền để sống qua giai đoạn này.
Các nhân viên đã lên Twitter để bày tỏ sự tức giận và kể về khó khăn tiền bạc mà họ đang trải qua. Một người nói: “Tôi không được trả lương chút nào, kể cả những ngày tôi làm việc trước thời gian đóng cửa. Tôi hi vọng chính phủ sẽ thấy tình trạng này ảnh hưởng sâu sắc tới những người như tôi như thế nào”.
Một hiệp hội người lao động đại diện cho 400.000 người ngày 31/12/2018 đã kiện Chính phủ Mỹ vì vi phạm Đạo luật Tiêu chuẩn lao động công bằng khi không trả lương cho nhân viên từ 22/12/2018.
Chưa có thỏa thuận mở cửa lại chính phủ
Trong khi việc chính phủ đóng cửa kéo dài gây xáo trộn cho nhiều người, Tổng thống Trump và phe Dân chủ vẫn chưa đạt được thỏa thuận mở cửa lại chính phủ.
Nút thắt chính vẫn xoay quanh ngân sách 5,6 tỷ USD dành để xây bức tường biên giới với Mexico. Tổng thống Trump muốn Quốc hội phải thông qua khoản này, trong khi phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện từ chối ủng hộ.
Bà Nacy Pelosi phát biểu sau cuộc gặp tại Nhà Trắng. Ảnh: REX/Shutterstock
Theo tờ The Guardian, lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa trong Hạ viện và Thượng viện đã được mời tới Phòng Tình huống trong Nhà Trắng ngày 2/1 để thảo luận về an ninh biên giới. Trong cuộc gặp, Tổng thống Trump đã đề nghị quan chức Bộ An ninh Nội địa dàn xếp thỏa thuận về ngân sách xây bức tường.
Trong một cuộc họp nội các trước đó, ông Trump cảnh báo một phần chính phủ có thể đóng cửa lâu nếu chưa có thỏa thuận.
Về phần mình, bà Nancy Pelosi, người dự kiến giữ vai trò Chủ tịch Hạ viện khoá tới, ngày 3/1 nói: “Chúng tôi đề nghị tổng thống mở cửa chính phủ. Chúng tôi đang trao cho ông ấy một con đường để thực hiện điều đó. Tại sao ông ấy không làm như vậy?”.
Trong khi các bên chưa nhượng bộ thì nhà vệ sinh trong các công viên vẫn đóng cửa, rác vẫn không có người dọn và nhiều nhân viên chính phủ chưa biết bao giờ có thể đi làm trở lại.
Thùy Dương/Báo Tin tức