Sau khi chính phủ Malasia không phê chuẩn công ước xóa phân biệt chủng tộc, người dân đổ xuống đường tuần hành để cảm ơn quyết định này.
Người dân tham gia tuần hành tại thủ đô Kuala Lumper để cảm ơn chính phủ Malaysia. Ảnh: Channel News Asia. |
Hàng trăm nghìn người ủng hộ đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) và đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) ngày 8/12 tập trung tại trung tâm thủ đô Kuala Lumpur để phản đối Công ước về Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (ICERD) của Liên Hợp Quốc.
Cuộc tuần hành ban đầu nhằm phản đối việc Malaysia ký công ước ICERD. Tuy nhiên, sau khi chính phủ thông báo không phê chuẩn công ước ICERD, những người tham gia biểu tình chuyển sang tuần hành để cảm ơn quyết định của chính phủ, theo CNN.
Chính phủ Malaysia không phê chuẩn ICERD đồng nghĩa với việc Hiến pháp Liên bang được duy trì, trong đó có khế ước xã hội quy định người Mã Lai và người bản xứ được hưởng ưu tiên đặc biệt hơn bộ phận người gốc Hoa và gốc Ấn Độ.
“Chúng tôi không mang theo vũ khí, chúng tôi chỉ muốn tập hợp thật đông người để gửi thông điệp đến chính phủ rằng việc phê chuẩn ICERD không có lợi cho Malaysia. Hy vọng không có ai gây rối, nếu có thì đó là thiểu số. Chúng tôi theo đạo Hồi và người Hồi giáo sống hòa bình. Đập phá tài sản công cộng hay làm người khác bị thương không phải điều chúng tôi muốn làm”, Mohd Ibrahim Che Mat, sinh viên 18 tuổi, cho biết.
Những người tuần hành tập trung chủ yếu tại hai địa điểm là Nhà thờ Hồi giáo Jamek và Nhà thờ Hồi giáo Quốc gia Malaysia từ 6h sáng. An ninh được thắt chặt, lực lượng an ninh đã đặt rào chắn và tuần tra xung quanh các tòa nhà chính phủ. Đại diện cảnh sát khẳng định sẽ đảm bảo cho cuộc tuần hành không bùng phát thành bạo động.
Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak, thành viên đảng UMNO, cùng vợ cũng tham gia cuộc tuần hành. Ông Najib hiện phải đối mặt với 25 cáo buộc tham nhũng và rửa tiền liên quan đến vụ bê bối quỹ đầu tư nhà nước 1MDB thời còn giữ chức thủ tướng.
ICERD có hiệu lực vào tháng 1/1969, cấm việc phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc và sắc tộc và hiện được 179 quốc gia tham gia. Malaysia hiện là một trong các quốc gia chưa ký và chưa phê chuẩn công ước này.
Nguyễn Tiến