Friday, November 22, 2024

Nguyên phó thống đốc Đặng Thanh Bình: ‘Tôi không biết có bị oan không’

Tiều tụy hơn so với lần ra tòa trước, ông Bình nói cấp sơ thẩm kết tội mình thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là quá nặng nề.

Ngày 5/12, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đối với ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, cựu Phó thống đốc NHNN) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng – VNCB) gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng.

Bốn bị cáo khác là thành viên Tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB bị xác định cùng tội danh, gồm: ông Hà Tấn Phước (55 tuổi, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An), Lê Văn Thanh (54 tuổi, nguyên Chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An), Phạm Thế Tuân (62 tuổi, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP HCM), Ngô Văn Thanh (41 tuổi, nguyên Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An).

Để phục vụ công tác xét xử, HĐXX trích xuất bị án Phạm Công Danh và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đến tòa vì một số vấn đề liên quan. Tuy nhiên, ông Danh vắng mặt vì sức khỏe yếu.

Nguyên phó thống đốc Đặng Thanh Bình: 'Tôi không biết có bị oan không'

Ông Bình tại tòa hôm nay. Ảnh: Kỳ Hoa.

Theo bản án sơ thẩm, ông Đặng Thanh Bình được NHNN giao phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có VNCB.

Đến tháng 8/2012, ông Bình ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp thuận chủ trương. Tổ giám sát hoạt động tại VNCB sau đó được thành lập theo Quyết định số 12.

Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm cổ đông Thiên Thanh) mua lại Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, VNCB được xếp vào một trong 6 nhà băng hoạt động không hiệu quả. Từ đó, ngân hàng này chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của tổ giám sát.

Theo Quyết định số 12 và các bảng phân công, ông Bình cùng tổ giám sát phải chủ động thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Tuy nhiên, họ đã để ông Danh cùng đồng phạm tùy tiện rút tiền của VNCB trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn.

Trong đó, cựu phó thống đốc NHNN đã quyết định để ông Danh tham gia quản lý, sử dụng ngân hàng “như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội” gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng cho VNCB.

Hồi tháng 7, TAND TP HCM tuyên phạt ông Bình mức án 3 năm tù, bốn bị cáo đồng phạm nhận 1 đến 2 năm 6 tháng tù. Họ được miễn trách nhiệm dân sự vì tòa xác định người sử dụng số tiền thiệt hại là bị án Phạm Công Danh.

Nguyên phó thống đốc Đặng Thanh Bình: 'Tôi không biết có bị oan không'

Thành viên Tổ giám sát NHNN tại VNCB. Ảnh: Kỳ Hoa.

Ông Đặng Thanh Bình: ‘Bản án nặng nề quá’

Cho rằng tòa sơ thẩm đánh giá mình có vai trò chính trong việc tái cơ cấu VNCB, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không thỏa đáng, cựu Phó thống đốc NHNN kháng cáo toàn bộ bản án. Các bị cáo còn lại cũng xin giảm án, được hưởng án treo.

Tại tòa hôm nay, ông Bình trông tiều tuỵ hơn so với lần ra tòa trước. “Bản án sơ thẩm chưa đúng, các căn cứ buộc tội tôi chưa đầy đủ. Mức án 3 năm tù với tôi quá nặng nề, nghiêm khắc, mong tòa xem xét để đánh giá lại”, cựu phó thống đốc NHNN trình bày.

Trả lời câu hỏi của HĐXX “có kêu oan hay không”, ông Bình nói: “Tôi không biết có oan không. Trong đơn kháng cáo tôi đã nêu một số chứng cứ để đánh giá trách nhiệm của mình. Tôi có thiếu sót nhưng cần được xem xét”.

Bốn bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN cho rằng bản án sơ thẩm đã phản ánh đúng các hành vi, song việc xác định mức độ phạm tội của họ “còn quá nghiêm khắc”.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 11/12. Chiều nay HĐXX tiếp tục xét hỏi.

Ngân hàng Xây Dựng tiền thân là Đại Tín – TrustBank do bà Hứa Thị Phấn sở hữu 85% cổ phần. Giữa năm 2012, ông Danh đại diện nhóm cổ đông Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) mua lại cổ đông của nhóm Phú Mỹ do bà Phấn đại diện.

Ông Danh sau đó đưa người vào điều hành và lên phương án tái cơ cấu ngân hàng. Đầu năm 2013, ông Danh tổ chức Đại hội cổ đông bất thường và chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Thời điểm bà Phấn còn sở hữu, ngân hàng đã âm vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.000 tỷ. Đến khi vụ án bị khởi tố (giữa năm 2014), vốn chủ sở hữu âm hơn 18.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 38.000 tỷ.

Kỳ Hoa

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG