Theo quy định của Điều lệ Đảng, khi một cá nhân có đủ điều kiện về sự nỗ lực phấn đấu, phẩm chất và lịch sử chính trị thì họ viết đơn tự nguyện xin vào Đảng, đó là quyền của mọi công dân. Việc xin ra khỏi Đảng cũng vậy, khi đảng viên cảm thấy không còn tha thiết với với lý tưởng, mục tiêu của Đảng; bản thân họ tự thấy không còn đáp ứng được các yêu cầu của Đảng thì việc xin ra khỏi Đảng cũng là để thể hiện sự tự trọng của đảng viên đó, cũng là sự tôn trọng Đảng; hay với những đảng viên có một số khuyết điểm (nhưng chưa đến mức kỷ luật), tự cảm thấy mình không còn xứng đáng là đảng viên, cũng có thể tự nguyện xin ra khỏi Đảng, đó là quyền của mọi đảng viên.
Thế nhưng, những ngày gần đây trên một số trang facebook cá nhân, trang điện tử của một số kênh thông tin như BBC, VOA, RFA… liên tục đăng tải, truyền đi thông tin một cách “ầm ỉ” về việc một số trí thức như Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang hay gần đây nhất là bà Kim Chi tuyên bố “bỏ Đảng”… Đặc biệt, lợi dụng sự kiện này nhiều trang tin tức mang tính chất phản động, các thế lực thù địch chống đối Đảng Cộng sản đã tuyên truyền, cổ súy, ca ngợi, “tung hô” những trí thức tuyên bố “bỏ Đảng” là những nhà trí thức có lương tâm; lu loa rằng Đảng và Nhà nước ta “ruồng bỏ trí thức”; thậm chí chúng còn nêu lên viễn cảnh là sẽ có cái gọi là “một trào lưu ra Đảng”, kêu gọi các tầng lớp trí thức, đảng viên “hãy từ bỏ Đảng cộng sản”… với mục đích bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta để hướng lái theo hướng đa nguyên, đa đảng….
Nhìn nhận vào thực tế chúng ta có thể thấy, việc một số đảng viên tuyên bố “bỏ Đảng”, “công khai ra khỏi Đảng”…, đều có điểm chung là “tự tuyên bố” ra khỏi Đảng thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, tự xem mình không còn là đảng viên trước khi được cấp ủy có thẩm quyền quyết định, tại sao vậy?.
Thứ nhất, số đảng viên này đều thể hiện tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thường xuyên thể hiện quan điểm ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, cố tình xuyên tạc tình hình của đất nước; họ không chỉ phủ định mục tiêu, lý tưởng của mình khi đứng vào hàng ngũ của Đảng mà còn phủ định sự lãnh đạo của Đảng, đó là một sự phản bội Đảng, phản bội nhân dân và Tổ quốc.
Thứ hai, đa số những đảng viên này đều là những người đã bị kỷ luật, vi phạm vào những quy định những điều đảng viên không được làm gần như liên tục và có hệ thống, thường xuyên có những tuyên bố, bài viết (trên báo và các trang mạng), bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài… thể hiện quan điểm ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng… nên họ “tìm cách” ra khỏi Đảng để tránh bị kỷ luật.
Ba là, đa số đảng viên này đều đã làm đơn xin ra khỏi Đảng (nhưng chưa được chấp thuận), có người đã từ lâu không sinh hoạt đảng khi đã về hưu… Họ nhận thấy không còn những quyền lợi, để tư lợi vật chất; lợi ích của họ ở trong Đảng không còn, nên sẵn sàng “tuyên bố” từ bỏ đảng để đi tìm một lợi ích mới và đối với họ là xây dựng một “đảng mới” có nhiều lợi ích hơn…
Vậy nên, những con người này cũng không có gì để phải luyến tiếc, phải trân quý. Mà ngược lại, họ rời bỏ Đảng cũng là một tin mừng, bởi tổ chức Đảng bớt đi những con người xa lệch, mất tính kiên trung. Họ ra khỏi Đảng không hề làm cho hệ thống Đảng lung lay, yếu đi, mà ngược lại sẽ làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn.
Trong tiến trình hơn 88 năm ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thành tựu quan trọng, không có lý gì vì những cá nhân quay lưng lại với lịch sử vẻ vang đó mà Đảng có thể bị ảnh hưởng, bị tổn hại uy tín. Với gần 5 triệu đảng viên, việc một số ít người vì bất kỳ lý do gì từ bỏ Đảng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức mạnh của Đảng. Không chỉ vậy, đó cũng là một sự đào thải, thanh lọc có tính tự nhiên trong quá trình vận động, chỉ những đảng viên trung kiên, không bị dao động, không lệch lạc về nhận thức, tư tưởng mới xứng đáng là đảng viên của Đảng.
Qua sự việc này, có thể xem là một dịp để mỗi đảng viên tự soi rọi lại mình có thực sự trung thành với lý tưởng của Đảng, có thực sự xứng đáng là đảng viên cộng sản hay không?. Nói cách khác, việc một số cá nhân đảng viên từ bỏ Đảng có thể xem là một “liệu pháp sốc”, một thứ vắcxin để tạo ra các kháng thể cần thiết giúp Đảng tăng sức đề kháng, đủ khả năng chống lại các loại vi rút nguy hiểm khác.
LÝ HÒA