Tại ngày làm việc thứ 11 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (ngày 31/10/2018), khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng đã dẫn ra hàng loạt con số như tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%… và cho rằng “Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này”.
Phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo cử tri trong toàn quốc, làm dấy lên những tranh cãi về thực trạng sai phạm của lực lượng Công an trong công tác điều tra, nhất là trong bối cảnh ngành này vừa mới tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 “Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Tuy nhiên, tất cả những số liệu mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng sử dụng làm căn cứ cho đánh giá của mình nhanh chóng được chỉ ra là không đúng, không chính xác!
Cụ thể, theo ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cho biết bên lề phiên tranh luận của Quốc hội sáng ngày 01/11/2018 thì ĐB Nhưỡng “đưa ra cái này là do ĐB tính toán và đưa ra nhận xét theo con số của mình, trong đó phương pháp tính là trong 120.142 đơn mà cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn là chưa thụ lý. Trong 87 đơn này thì có 82 đơn là Công an chưa thụ lý. ĐB Lưu Bình Nhưỡng lấy 82 chia cho 87 thành 94%. Tiếp đến đoạn giải quyết quá hạn là 3.368, trong đó Công an có 3.360, ĐB lấy 3.360 chia cho 3.368 bằng 99,7%”.
ĐB Cầu chỉ rõ toàn bộ số liệu không phải là số liệu công bố chính thức của Viện Kiểm sát. Đồng thời ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã có sự “nhầm lẫn” (?) trong tổng số, tức là phải lấy 87 này để chia cho 120.142 mới ra tỷ lệ là họ giải quyết sai đến mức nào.
“ĐB Lưu Bình Nhưỡng so sánh trong 4 cơ quan thì Công an là sai phạm nhiều nhất nhưng trong bài phát biểu lại không nói cái này mà nói là kinh khủng và nói là sai rất nghiêm trọng và đề nghị Bộ trưởng phải xử lý, người ta hiểu sai mất rồi. Tôi thấy rất là đáng tiếc. Tôi nói vậy để ĐBQH hiểu thêm và cử tri phải hiểu vấn đề này, nếu không, công an sai phạm nhiều quá. Không phải đâu”.
– Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An –
“Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác đạt 87,2%, trong khi chỉ tiêu QH yêu cầu là 90%, vậy là còn 2,8% nữa mới đạt yêu cầu QH đề ra. Năm qua, số tin báo quá hạn là 3.368, chiếm 2,8% trên tổng số các tin báo, chứ không phải chiếm nhiều”.
– Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội –
Đây không phải là lần đầu tiên ông Lưu Bình Nhưỡng “châm ngòi” cho những cuộc tranh luận tại Quốc hội và trong cử tri. Tuy nhiên, không ít lần những phát biểu mang tính “ngòi nổ” của ông này được dựa trên những thông tin thiếu chính xác, thậm chí mang tính thổi phồng hoặc không có căn cứ.
Đơn cử như việc ông Nhưỡng phát biểu về các vụ bổ nhiệm cán bộ sai phạm hồi tháng 5/2017 “Như vụ cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, gây lùm xùm như vậy nhưng bây giờ nghe đâu đi New Zealand” nhưng sự thật tại thời điểm đó cô Quỳnh Anh vẫn đang chăm 2 con ở Hà Nội và cô này cũng vừa khai trương một spa làm đẹp ở Thành phố Thanh Hóa.
Sau lời phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng dư luận đã dậy sóng, gây nhiều dư luận không tốt trong xã hội, trong đó có các bức xúc của cử tri trong lực lượng CAND. Chính vì vậy, ngày 5/11, Thượng tướng Lê Quý Vương thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, kiến nghị về một số đánh giá chưa chính xác của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công an gây dư luận không tốt.
Về các số liệu liên quan việc nhận định, đánh giá chưa đúng của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ Công an đã kiểm tra lại và có thông tin cụ thể:
Tính trong 12 tháng báo cáo Quốc hội (từ 01/10/2017 đến 30/9/2018), các CQĐT đã tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, CQĐT trong CAND tiếp nhận và giải quyết là 118.731 tin chiếm 98,83%; (1,17% còn lại là tin báo, tố giác tội phạm do các Cơ quan khác tiếp nhận và giải quyết như CQĐT Quân đội nhân dân; CQĐT của Viện Kiểm sát nhân dân; Cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải quan, Cảnh sát Biển, Kiểm lâm…).
Tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải quyết 104.767 (tỷ lệ giải quyết đạt 87,20%). So với tổng thể chung số tin báo, tố giác tội phạm đã thụ lý giải quyết thì những vi phạm trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, cụ thể là:
– Số tin báo, tố giác không thụ lý theo đúng quy định của CQĐT trong CAND là 82/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 0,07%.
– Số tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đã giải quyết nhưng chậm gửi quyết định giải quyết cho Viện Kiểm sát của CQĐT trong CAND là 37/118.731 tin chiếm 0,03%.
– Số tin báo, tố giác xử lý quá hạn của CQĐT trong CAND là 3.360/118.731 tin chiếm tỷ lệ 2,82%.
– Số lần vi phạm trong việc gửi, tống đạt, thông báo, niêm yết… các lệnh, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của CQĐT trong CAND là 33 chiếm tỷ lệ 0,01%.
Như vậy, số liệu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tự tính để đưa ra các con số báo cáo trước Quốc hội để khẳng định “vi phạm của CQĐT là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho VKS 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%…” là hoàn toàn không đúng, có tính chất suy diễn, quy chụp, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CAND.
Chính vì lẽ đó, khi những tranh luận về sai phạm của lực lượng Công an trong công tác tố tụng thời gian qua dần sáng tỏ, không ít cử tri đang đặt ra câu hỏi về việc có cần thiết xem xét lại tư cách ĐBQH của chuyên gia xuyên tạc, thổi phồng Lưu Bình Nhưỡng hay không?.
@Lê Dân