Văn phòng Trung ương Đảng không chỉ có nhiệm vụ giúp việc Tổng bí thư mà còn giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính Trị.
Chiều 6/10, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng họp báo thông tin về kết quả hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Tại hội nghị lần thứ 8, 175/175 đại biểu có mặt là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp tới.
“Các ủy viên dự khuyết dự họp nhưng chưa có quyền biểu quyết. Chỉ có người duy nhất vắng mặt tại hội nghị là ông Đinh Thế Huynh do đang điều trị bệnh”, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thông tin.
Trả lời câu hỏi các nhiệm kỳ tiếp theo Trung ương có tiếp tục giới thiệu Tổng bí thư giữ chức Chủ tịch nước, ông Vĩnh cho rằng cần nhìn rộng ra thế giới, người đứng đầu đảng cầm quyền các nước luôn là người đứng đầu chính phủ hoặc là nguyên thủ quốc gia hoặc giữ cả hai chức vụ.
“Đây là tập quán chính trị và thông lệ thế giới. Việc Tổng bí thư Đảng đồng thời là Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân hoan nghênh”, ông Vĩnh nói.
Ông Lê Quang Vĩnh. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Khẳng định Tổng bí thư giữ chức Chủ tịch nước không phải là điều lạ, càng không phải học ai đó, ông Vĩnh nói: “Chúng ta có sẵn định chế Chủ tịch Đảng giữ chức Chủ tịch nước từ thời Bác Hồ. Khi Bác Hồ mất, vì điều kiện chính trị lịch sử cụ thể chưa cho phép để tiếp tục thực hiện điều đó”.
Nhưng theo ông Vĩnh, việc Trung ương có tiếp tục giới thiệu Tổng bí thư ứng cử Chủ tịch nước để Quốc hội bầu trong các nhiệm kỳ tiếp theo hay không, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội còn tuỳ thuộc vào tình hình thực tế từng giai đoạn cụ thể để quyết định.
Trả lời câu hỏi nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thì các cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước có sáp nhập, ông Vĩnh nói 4 văn phòng gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội có quy chế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nhận định khi Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước, nhưng ông Vĩnh khẳng định chưa đặt vấn đề sáp nhập Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước. Ông dẫn chứng, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước, hai cơ quan này vẫn riêng biệt.
Văn phòng Trung ương Đảng không chỉ có nhiệm vụ giúp việc Tổng bí thư mà còn giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư. Còn Văn phòng Chủ tịch nước không chỉ giúp việc Chủ tịch nước mà còn giúp việc các Phó chủ tịch nước.
Tại họp báo, ông Bùi Trường Giang, Phó ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau 5 ngày làm việc, Hội nghị đã thông qua nội dung cơ bản các văn kiện: Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nội dung cơ bản, kết luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Hội nghị quyết định cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son; khai trừ ra khỏi Đảng với ông Trần Văn Minh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Hội nghị quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội của Đảng XIII gồm: Tiểu ban Văn kiện do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đứng đầu; Tiểu ban Nhân sự do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đứng đầu.