Saturday, November 23, 2024

Hàng ngàn container phế liệu tồn tại cảng biển: “Núi” rác sẽ ngày một cao?

Hàng chục ngàn container phế liệu đang ứ đọng tại các cảng biển khiến nguy cơ các thương cảng Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng môi trường sống, tác động xấu đến hoạt động kinh doanh, nhưng tới giờ vẫn chưa có cách nào để hạ thấp “núi” rác này.

Hàng ngàn container phế liệu tồn tại cảng biển: “Núi” rác sẽ ngày một cao?

Nếu không sớm xử lý, cảng biển Việt Nam nguy cơ thành bãi thải của thế giới

Tắc “đầu ra”

Ông Bùi Thiên Thu – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua. Nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu dẫn tới hàng hóa tồn đọng. Theo số liệu thống kê, chỉ tại các cảng biển ở TP HCM, Hải Phòng và Vũng Tàu đã tồn 11.079 container.

Cụ thể, tại TP HCM, số lượng container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý là 4.465 container, tại Hải Phòng là 1.476 và tại cảng Vũng Tàu là 5.138. Các loại phế liệu được nhập về chủ yếu là sắt, thép, giấy, nhựa, nhôm, đồng; nhập từ các nước như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Italia, Hồng Kông, Nhật Bản…

“Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; chậm lưu thông hàng hóa; ảnh hưởng hoạt động các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho DN”, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết thêm.

Có hai nguyên nhân chính làm gia tăng lượng phế liệu tại các cảng biển. Thứ nhất do Trung Quốc có quy định mới không nhập khẩu một số loại phế liệu. Nhiều loại phế liệu này nhập về đến Việt Nam thì bị ứ lại, DN không thể tiếp tục xuất sang Trung Quốc. Nguyên nhân thứ hai là do quy định của Việt Nam về nhập phế liệu có nhiều điều kiện, thủ tục chồng chéo. Nhiều DN nhập hàng về đến cảng thì không đáp ứng được một số yêu cầu nên không thể mang hàng đi. Ngoài hai lý do chính trên, việc tồn đọng phế liệu tại các cảng biển còn do một số chủ hàng cố tình lách luật, nhập một số hàng không được phép nhập, đến khi cơ quan chức năng phát hiện thì bỏ luôn hàng tại cảng.

“Cha chung không ai khóc”?

Để xử lý những tồn tại trên, theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của các đơn vị liên quan. Ông Trịnh Thế Cường – Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng Hải Việt Nam) cho rằng, năng lực lưu trữ tại các cảng Việt Nam là 12 triệu container/năm; hiện chỉ tồn đọng hơn 11.000 container. Nhưng, nếu nhiều container lưu quá 90 ngày thì bãi chứa sẽ đầy lên, ảnh hưởng đến những container hàng lấy nhanh.

“Một số cảng cũng có kế hoạch chủ động di dời container đi chỗ khác, như Cát Lái có kế hoạch di dời hơn 2.514 container ra khỏi cảng. Nơi đậu mới này rộng hàng trăm ha”, lời ông Cường. Điều đáng lo ngại, theo ông Cường là nếu để hàng phế liệu lâu tại các cảng biển sẽ khó xử lý vì liên quan đến kinh phí, công nghệ; dần dần ảnh hưởng đến môi trường.

Để xảy ra tình trạng trên và hiện nay các ban, ngành liên quan vẫn đang loay hoay hướng xử lý, ông Cường thừa nhận, cơ chế phối hợp xử lý vẫn còn kém. Hàng hóa phế liệu nhập về thuộc quyền quản lý của nhiều bộ, ngành, được điều chỉnh theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. “Vừa là trách nhiệm của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), vừa Bộ Công Thương, Công an, GTVT, TN&MT, dẫn đến tình trạng chưa có hình thức xử lý triệt để; có tình trạng “cha chung không ai khóc”, ông Cường nói.

Để xử lý triệt để vấn đề nói trên, mới đây Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản “hiến kế”. Theo đó, Cục này cho rằng cần thiết phải thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, có trách nhiệm làm việc với các cảng để thống nhất phương án tiêu hủy các container phế liệu đang tồn đọng. Cục Hàng hải cũng cho rằng nên để Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp khai thác cảng thống nhất phương án di dời các container để giải phóng bãi cảng, tạo thuận lợi trong công tác rà soát, thống kê, phân loại hàng hóa.

Tuy nhiên, theo nguồn của PLVN, đến thời điểm này, vì nhiều lý do mà Tổ công tác liên ngành này chưa thể thành lập theo đề xuất của đại diện Bộ GTVT. Như vậy, việc xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển một cách triệt để vẫn đang bế tắc.

Không để ảnh hưởng đến môi trường sống, uy tín của Việt Nam

“Đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: TN&MT, Tài Chính, Công Thương, GTVT; UBND các tỉnh, TP HCM, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tồn đọng phế liệu tại các cảng biển; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấy phép các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm. Trong thời gian tới không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu”.

Minh Hữu

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG