Y Nhiêu đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei (Kon Tum) cùng mẹ. Ảnh: ĐÌNH VĂN
Chị Y Nhiêu (SN 1995, thôn Pêng Siêl, Đăk Pét, Đăk Glei, Kon Tum) đi làm thuê tại Gia Lai, đã bị bà Nguyễn Thị Hà (SN 1979, tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai) đánh đập, tra tấn. Bà Hà dùng búa, kìm bẻ răng, ủi bàn là nóng lên người, dao lam rạch mặt Y Nhiêu.
Công an huyện Đắk Glei (Kon Tum) và Công an TP.Pleiku (Gia Lai) đã có động thái điều tra bước đầu, tuy vậy theo các luật sư, vụ án cần phải khởi tố để làm rõ.
Chờ kết quả giám định, để khởi tố
Ngày 22.7, Trung tá Phan Nhật Toàn – Trưởng CA TP.Pleiku (Gia Lai) cho biết, đơn vị quyết tâm xử lý nghiêm vụ này. “Hiện chúng tôi đang chờ kết quả giám định thương tật, chỉ cần trên đủ 11%, là có thể khởi tố vụ án” – ông nói.
Đại tá Lê Mạnh Hùng – Trưởng Công an huyện Đắk Glei (Kon Tum) nhấn mạnh, do hành vi tra tấn diễn ra tại Gia Lai, nên đã cử cán bộ hướng dẫn gia đình Y Nhiêu làm đơn tố cáo gửi CA Gia Lai. “Góc độ công an địa phương, chúng tôi sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với công an Gia Lai, để có hướng xử lý phù hợp” – đại tá Hùng khẳng định.
Khuôn mặt Y Nhiêu chi chít sẹo do bị tra tấn bởi kìm, bàn là, dao lam.
Chiều cùng ngày (22.7), chị Y Nhiêu vẫn đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei (Kon Tum) với rất nhiều vết thương.
Bác sĩ Y Hà – cán bộ trực Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei – cho biết, chị Y Nhiêu nhập viện với đa trấn thương, nhiễm trùng vùng ngực, bụng, tai, mu bàn tay trái. Chị cũng bị gãy hở 3 đốt ngón tay, gãy 3 chiếc răng, đặc biệt di chứng thương tích toàn thân với nhiều vết sẹo và bỏng.
“Trung tâm đang tích cực điều trị ổn định vết thương nhiễm trùng, tiếp đó giới thiệu người nhà chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị các vết thương gãy xương” – bác sĩ Y Hà cho biết.
Tra tấn man rợ
Y Nhiêu sinh ra trong một gia đình khó khăn, huyện miền núi Đắk Glei. Vì nghèo khó, tháng 4.2014, chị theo bạn bè qua Gia Lai làm mướn, phụ việc. Trước làm thuê bưng bê, rửa bát cho các rạp cưới ở TP.Pleiku, Gia Lai. Sau bà Hà dụ dỗ, lôi kéo chị về phục vụ trong gia đình với lương trả công 3,5 triệu đồng/tháng. Từ đây, những trận đòn roi bắt đầu trút xuống.
Viện cớ “lấy tiền và vàng”, bà Hà đã tra tấn Y Nhiêu hơn cả thời trung cổ. Chị bị đánh đập, toàn thân lở loét, sẹo mới chồng sẹo cũ, bị vứt ra vệ đường chờ chết. Chị được cứu sống, cũng từ đây, những màn tra tấn của bà chủ Hà bị phát lộ, chấn động dư luận.
Căn nhà nơi Y Nhiêu làm thuê, bị đánh đập như thời trung cổ.
Y Nhiêu kể lại khi đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei: “Tay trái bị ủi bàn là, rồi kê sắt hơ nóng mà hơ trên bếp than rồi gí lên người. Mặt bị rạch dao lam, ủi bàn là và hơ sắt nóng”. Y Nhiêu kể tiếp: “Em bị tra tấn liên tục. Răng họ dùng búa đập trước, không rụng được răng thì bà dùng kìm bẻ nhổ. Tai, họ dùng kìm cắt kẽm cắt đứt. Bà chủ dùng cả dao phay xẻo từng nhát vào tay của em. Ở đỉnh đầu, họ dùng thanh sắt nhọn chọc vào”. Chưa hết, theo lời kể lại của Y Nhiêu, bà chủ Hà còn dùng khò lửa, khò vào da em suốt. Thậm chí, dùng búa đập vỡ xương tay, lấy cây gỗ có gắn đinh đập vào khắp thân thể em.
Nhẫn tâm hơn, khi chị Y Nhiêu mang thai ở tháng thứ 5 với người yêu, thì bị bà Hà liên tục đạp, đánh vào bụng. Khi thấy đứa bé trồi ra, bà Hà cùng với nhân viên (tên Na – PV), mang đi chôn ở bãi đất trống gần nhà.
Bà Đoàn Thị Tuyết (72 tuổi, tổ 6, phường Thống Nhất, TP.Pleiku) thuật lại: Bà đi thể dục, nghe một người nói thấy, có người nằm thoi thóp trong ống cống. Đến xem, thấy một người phụ nữ co ro trong cống, trên người quấn chiếc khăn mỏng. Tôi có hỏi vì sao nằm đây, người phụ nữ nói ở huyện Đắk Glei (Kon Tum), bị người ta đánh rồi vứt ra đây. Họ đánh liệt chân, gãy tay không đi lại được.
Ống cống nơi Y Nhiêu nằm chờ chết, may thay được người dân phát hiện, cứu sống.
Phải khởi tố vụ án
Trao đổi với PV Lao Động, CA phường Thống Nhất (TP.Pleiku) nhìn nhận: “Đây là vụ việc nghiêm trọng, vì vậy hồ sơ được công an TP.Pleiku và CA tỉnh thụ lý”.
CA TP.Pleiku cho biết, bà Hà bị “ngáo đá” và sử dụng ma túy. “Bước đầu, chúng tôi đưa bà này vào Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai để cách ly, coi như là một biện pháp “giam lỏng”” – đại diện CA TP.Pleiku nói. Vị cán bộ công an trả lời rằng: Quá trình lấy lời khai, bà Hà thừa nhận dùng dao chặt vào ngón tay và đánh đập chị Y Nhiêu.
Ngày 11 – 12.7, Y Nhiêu bị tra tấn tàn bạo, đến ngày 16.7, khi về được với gia đình, bà Y Chúc – là mẹ Y Nhiêu – đã không nhận ra đó là con của mình, vì trên người chằng chịt các vết sẹo, tóc trụi, răng gãy.
“Con mình về nhà, mà mình không biết đó là ai. Nó nói: Mẹ ơi, con là Nhiêu. Mình khóc, nó khóc, rồi hai người ôm nhau khóc”, bà Y Chúc đau xót.
Thương con, bà gọi anh trai Y Nhiêu chở đi bệnh viện, chữa trị tiếp. Theo điều tra của Tổ dân phố 6 (phường Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai), khu vực mà bà Hà thuê mở quán càphê, thực ra là “ổ mại dâm”.
Ngày 22.7, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk Tạ Quang Tòng, nhấn mạnh: “Công an Gia Lai cần phải khởi tố vụ án một cách toàn diện và chặt chẽ”. Ông phân tích, trước tiên, cơ quan chức năng cần đưa Y Nhiêu đi giám định thương tích, nếu trên 11%, sẽ có căn cứ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại về tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS). Bà Hà sử dụng các phương tiện rất nguy hiểm (búa, kìm, dao lam, gậy gắn đinh sắt) để đánh đập Y Nhiêu, cần xem xét thêm về tội “Hành hạ người khác” theo điều 140 BLHS.
Ngoài ra, bà Hà nói Y Nhiêu “lấy cắp tiền vàng”, công an cần điều tra kỹ, nếu không chứng minh được Y Nhiêu “trộm cắp tiền”, cần khởi tố bà Hà về tội “Vu khống” theo điều 156 BLHS, nếu có yêu cầu của người bị hại. “Có 3 tội danh cần xem xét trong vụ việc này, đó là “Cố ý gây thương tích”, “Hành hạ người khác” và “Vu khống” trong vụ việc này” – Luật sư Tạ Quang Tòng nhấn mạnh.
ĐÌNH VĂN