VNTL – Cộng cả bản án trước, ông Đinh La Thăng sẽ phải thi hành mức án 30 năm tù giam.
Chiều nay, HĐXX phiên tòa phúc thẩm xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ làm thất thoát 800 tỷ của PVN tại Oceanbank tuyên án.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng.
HĐXX cấp phúc thẩm tuyên phạt:
1. Đinh La Thăng: 18 năm tù giam. Cộng với án 13 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo Thăng phải chấp hành chung cho cả hai bản án là 30 năm tù.
2. Ninh Văn Quỳnh: 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Ninh Văn Quỳnh chấp hành hình phạt chung cho hai tội là 23 năm tù.
3. Vũ Khánh Trường: 5 năm tù
4. Nguyễn Xuân Sơn: 30 tháng tù. Tổng hợp với bản án tử hình của bản án trước, buộc bị cáo Sơn phải thi hành chung cho cả hai bản án là tử hình. Trong thời hạn 7 ngày, bị cáo Sơn được quyền làm đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình.
5. Nguyễn Xuân Thắng: 22 tháng tù
6. Nguyễn Thanh Liêm: 20 tháng cải tạo không giam giữ.
7. Phan Đình Đức: Cảnh cáo.
HĐXX cấp phúc thẩm buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền 785 tỷ đồng, riêng bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã nộp 20 tỷ đồng là khoản tiền mà bị cáo Sơn đã tham ô nên buộc trả lại số tiền này cho PVN. Tòa ghi nhận bị cáo Quỳnh đã nộp 20 tỷ đồng nên yêu cầu Cục thi hành án dân sự chuyển 20 tỷ đồng trên cùng số tiền 200 triệu đồng mà bị cáo Quỳnh đã nộp tại tòa để khắc phục hậu quả.
Nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, theo quy định, việc đầu tư ra ngoài phải báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện. Chỉ có Thủ tướng mới có quyền quyết định việc góp vốn của PVN vào NH. HĐQT không có quyền tự ký nghị quyết góp vốn… Thủ tướng là người quyết định có chủ trương để PVN góp vốn hay không. Sau khi Thủ tướng đồng ý về chủ trương mới được xây dựng hồ sơ pháp lý. Hồ sơ đầu tư phải được các cơ quan quản lý thẩm định xong mới được đầu tư.
Những quan điểm cho rằng, Chủ tịch HĐQT có quyền đề ra chủ trương góp vốn và không nhất thiết phải xin ý kiến của Thủ tướng là không có cơ sở chấp nhận. Theo HĐXX, Thủ tướng Chính phủ không có ý kiến đồng ý để PVN đầu tư vào Oceanbank. Lời khai của bị cáo Thăng về việc Thủ tướng đồng ý để PVN góp vốn vào Oceanbank là không phù hợp.
Đối chiếu nội dung thỏa thuận góp vốn cho thấy, hai bên thỏa thuận rất cụ thể, thậm chí PVN cử người trực tiếp tham gia quản lý phần vốn góp. Bản thỏa thuận cũng thể hiện quyền và nghĩa vụ của hai bên. Đây là hợp đồng kinh tế có giằng buộc quyền và nghĩa vụ, không phải là biên bản ghi nhớ như lời bị cáo nói.
Bị cáo Thăng được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT, đối chiếu các quy định, bị cáo không được thay mặt pháp nhân để ký kết thỏa thuận. Chỉ có ông Trần Ngọc Cảnh (nguyên TGĐ PVN) mới đủ tư cách ký kết hợp đồng kinh tế. Ở đây, ông Trần Ngọc Cảnh không ủy quyền cho bị cáo Đinh La Thăng ký hợp đồng kinh tế nên việc làm của ông Thăng là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật.
Hành vi ký kết thỏa thuận 6934 của bị cáo Thăng là không đúng chức năng. Thỏa thuận này là tiền đề để ra các Nghị quyết gón vốn sau này. Do vậy, hậu quả của việc PVN góp vốn có liên quan đến thỏa thuận 6934 và liên quan đến trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng.
PVN cho rằng mình bị mất vốn hoặc có vi phạm về quyền lợi thì PVN có quyền khởi kiện Oceanbank về tranh chấp hợp đồng.
Đối với khoản tiền 244 tỷ đồng cổ tức mà PVN nhận từ Oceanbank, HĐXX cho rằng đây là tiền thu lời bất chính do các hành vi làm trái. Về nguyên tắc, số tiền trên phải bị tịch thu xung công, nhưng vì số tiền này đã được hạch toán và sử dụng vào việc sản xuất kinh doanh của PVN nhiều năm nay nên không thể bóc tách và không thể khấu trừ để xác định trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.
Theo Vietnamnet