VNTL – Trong những ngày vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận đã xảy ra các vụ biểu tình, mang màu sắc bạo loạn chính trị, gây bất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Nhiều người dân bất bình trước những việc làm vi phạm pháp luật của một bộ phận quần chúng quá khích khi đập phá tài sản Nhà nước, cá nhân, tấn công lực lượng Công an…, đe dọa đến sự ổn định của đất nước. VNTL xin giới thiệu bài viết của bà Phan Thị Ngọc Tương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người con của quê hương Đồng Khởi – Bến Tre.
Bạo loạn chính thức nổ ra tại Bình Thuận. Thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự, nhưng được can thiệp kịp thời. Khoan hãy nói về thiệt hại vật chất, ngay bây giờ có thể dự đoán hậu quả của nó.
Về mặt chính trị: làm xấu hình ảnh đất nước sau nhiều năm tự hào là ổn định chính trị, nay người ta phải xem lại. Những phim ghi lại có chủ đích sáng hôm qua chiếu trên CNN và phương tiện truyền thông khác làm nhiều người lo lắng, không biết chuyện gì xảy ra tại quê nhà, một phần nhỏ (người thù hằn với chế độ) hả hê (tin nhận được từ Mỹ).
Về mặt kinh tế: Có một số phương tiện xe cộ bị đốt, một số tài sản bị đập phá, thiệt hại vật chất đáng kể nhưng chẳng đáng là bao so với dự báo. Một số Công ty gốc Hoa sẽ rời Việt Nam (trong đó có Puochen(?) sử dụng hơn 4.000 công nhân), các dự án đầu tư nước ngoài ở Bình Thuận sẽ bị đình trệ và xem xét lại, ngành du lịch Khánh Hòa, Bình Thuận vắng khách trước thông tin khuyến cáo của các nước.
Về mặt xã hội: chắc chắn rồi đây sẽ có người bị truy tố, bì tù bởi vi phạm luật pháp, vì hành động phá hoại, gây rối hay dầu tỏ lòng “yêu nước”…Bao nhiêu công ăn, việc làm mất đi, bao nhiêu gia cảnh lâm vào khó khăn…Rất khó tính bằng tiền.
Do đâu?
Cứ xem thái độ của bọn phản động người Việt ở nước ngoài đủ hiểu ai là người thụ hưởng “thành tích” bạo loạn đó. Bọn cơ hội chính trị trong nước đứng sau. Cả 2 đối tượng này liên thông, câu kết với nhau sử dụng mạng xã hội lôi kéo, kích động những người thiếu hiểu biết, mù thông tin nhưng thừa ngông cuồng, gây rối, phá phách, có tâm lý “bầy đàn”, hành động như vô thức…tham gia thực hiện.
Cảnh báo cách mạng màu, cách mạng đường phố không còn là chuyện ở Ucraina, ở Tunisia, Ai cập…mà là hiện hữu ở Việt Nam. Đã tới lúc các cơ quan thực thi pháp luật không thể ngồi yên được nữa. Không hữu khuynh với bọn cách mạng màu, dù chúng là ai, ở đâu cũng phải tìm ra và trừng trị.
Mặt khác phải coi lại tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang và lực lượng nòng cốt khác. Tại sao kẻ địch chuẩn bị lực lượng lớn mà không biết, hay biết mà phương án đối phó sơ sài. Coi lại hiệu lực của hệ thống tuyên truyền, báo chí, phát thanh trong trào lưu mạng xã hội hiện nay để có biện pháp cải tiến tốt hơn, nhanh hơn.
Trong cuộc đấu tranh nầy phải xác định ta, địch cho rõ ràng để đánh được địch mà không hại đến quần chúng cả tin, nhẹ dạ, phải phân hóa cho được, có cách giải quyết đúng vai trò của các đối tượng phạm pháp.
Cũng cần coi lại cách làm việc của hệ thống chính trị bấy lâu nay có bảo đảm dân chủ, minh bạch, kể cả nhân dân cần được thông tin, tránh những đồn đoán, tạo môi trường cho lưu truyền thông tin thất thiệt.
Hơn lúc nào hết, trong một xã hội ngày càng dân chủ hóa, đầy rẫy thông tin, chúng ta phải lắng nghe nhiều chiều, sàng lọc, miễn nhiễm với thứ độc hại, trước hết giữ mình sau đó giúp người xung quanh có được thông tin chính thống.
Nếu xác định có bàn tay kẻ địch, hỡi lực lượng thực thi pháp luật hãy ra tay. Bác Hồ đã dạy: “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.
(Anh hùng lực lượng vũ trang)