Saturday, November 23, 2024

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Kỳ vọng về một Tuyên bố hòa bình

Nếu có thể mang lại một tuyên bố hòa bình, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, thì đó sẽ là điều không chỉ Washington và Bình Nhưỡng mong đợi.

Để điều đó trở thành hiện thực, cần có sự nhượng bộ của cả Mỹ và Triều Tiên, trong đó sự nhượng bộ của Mỹ là quan trọng nhất, trong bối cảnh những động thái mà Triều Tiên đã thể hiện thời gian qua là chưa từng thấy trước đây.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Kỳ vọng về một Tuyên bố hòa bình

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 tới tại Singapore được kỳ vọng có thể mang lại một tuyên bố hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: AFP

Thành công cho nhiệm kỳ

Nếu thành công, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được ca ngợi về một thành công mà chưa từng có nhà lãnh đạo Mỹ nào đạt được. Nhưng nếu thất bại, mọi hào quang sẽ bị phai mờ ngay lập tức. Theo giới phân tích, nước Mỹ và bản thân ông Trump chắc chắn sẽ tìm cách tránh để Thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại.

Sau cuộc gặp với quan chức cấp cao hàng đầu Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra như dự kiến và thảo luận việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ông cũng nói rằng, kết quả đáng mong đợi nhất của cuộc gặp ngày 12/6 tới tại Singapore có thể sẽ là “ký kết một văn bản” nhằm chính thức chấm dứt sự thù địch suốt 65 năm qua, sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.

Dù ông Trump có thể nói đến điều đó theo cách để “quảng bá” cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới như một thành công trong chính sách ngoại giao của ông, giới phân tích cho rằng, điều đó có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đem lại cho Triều Tiên điều gì đó mà họ đang tìm kiếm hàng chục năm qua.

Có nhiều nghi ngờ bên trong chính quyền Mỹ rằng, bất cứ tuyên bố kết thúc chiến tranh nào, cho dù nó có phải là một Hiệp ước thực sự hay không, nó cũng có thể khiến Mỹ mất lợi thế trong các cuộc đàm phán tương lai nếu Triều Tiên không chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân. Một số người cũng cho rằng, nó có thể sẽ tạo cho Triều Tiên một cơ sở mạnh mẽ hơn để yêu cầu Mỹ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, cũng như rút các lực lượng Mỹ khỏi Bán đảo Triều Tiên, chưa kể, Triều Tiên có thể sẽ không từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân mà nước này từng tuyên bố có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, một quan chức liên quan tới việc chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh của Tổng thống Donald Trump với Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói với Reuters rằng, một hiệp ước hòa bình sẽ là thành công lớn. Nó cũng sẽ là sự khởi đầu cho việc loại bỏ các mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra đối với các nước láng giềng.

Các trợ lý của ông Trump cũng khẳng định, một thỏa thuận hòa bình có thể sẽ giúp giảm căng thẳng, tạo bầu không khí cho các cuộc đàm phán hạt nhân tương lai và khi đó, Triều Tiên sẽ không cần tới chương trình hạt nhân của mình như một biện pháp nhằm răn đe một nước Mỹ “thù địch”.  Hiện Mỹ vẫn duy trì 28.500 binh sỹ ở Hàn Quốc.

Mục tiêu không dễ dàng

Ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình cũng có thể cho phép ông Trump tuyên bố về thành tựu mà chưa có Tổng thống Mỹ nào làm được. Điều đó cũng khiến những người ủng hộ thêm hy vọng ông Trump sẽ giành được giải Nobel Hòa Bình.

“Bạn có thể tin là chúng tôi sẽ nói về việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên không?”, ông Trump nói với các phóng viên hôm 2/6. Ông cũng nhấn mạnh, đó có thể là một khoảnh khắc lịch sử quan trọng.

Giới chức Mỹ hoan nghênh tuyên bố gần đây của ông Kim Jong-un về việc dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo cũng như đóng cửa bãi thử hạt nhân, nhưng họ vẫn nói rằng những bước đi này là có thể “đảo ngược”. Dẫu vậy, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng tìm kiếm khả năng ký một Hiệp ước hòa bình thực sự, dù các chuyên gia cho rằng nó sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán dài hơi, hay các tuyên bố chính trị được nhất trí ở cả 2 phía.

Những nỗ lực của ông Trump có vẻ như là một mục tiêu xứng đáng và phù hợp với Thỏa thuận gần đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm tìm kiếm việc chấm dứt cuộc xung đột giữa 2 bên.

Giới truyền thông cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể sẽ tới Singapore trong thời gian diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều để thúc đẩy ý tưởng về tuyên bố hòa bình, dù giới chức Hàn Quốc nhấn mạnh họ vẫn đang xem xét về cuộc gặp 3 bên.

Cần có sự tham gia của Trung Quốc

Nâng cấp một hiệp định đình chiến thành một hiệp ước hòa bình cũng đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các bên, trong đó có Trung Quốc – đồng minh của Triều Tiên thời chiến tranh, chứ không chỉ Mỹ và Triều Tiên.

Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng một hiệp định đình chiến giữa Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên. Do đó, Trung Quốc sẽ cần phải ký vào bất cứ Hiệp ước hòa bình nào “để đảm bảo tính pháp lý và tình trạng lịch sử của nó”, chứ không chỉ Mỹ và Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định nước này ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được “cơ chế hòa bình”.

Tuyên bố hòa bình tất nhiên cũng là điều mà Triều Tiên mong đợi, vì nó sẽ mở ra một chương mới cho lịch sử Bán đảo Triều Tiên. Dù có thể chưa đạt được ngay mục tiêu này ở Singapore vào ngày 12/6 tới, thì bản thân cuộc gặp với phía Mỹ cũng đã là một thành công đối với Triều Tiên, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là Hiệp ước hòa bình giữa tất cả các bên./.

Thùy Linh/VOV.VN

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG