Sau cuộc chiến giữa phe Arab và Israel, nhiều người Palestine phải sống trong diện tích eo hẹp của Gaza và họ muốn quay lại quê hương nằm ở phần đất của Israel.
Người biểu tình Palestine đối mặt với hơi cay từ quân đội Israel tại ranh giới giữa Israel với Gaza ngày 14/5. Ảnh: AFP.
Ranh giới giữa Gaza và Israel một lần nữa trở thành tâm điểm cho các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội Israel, khi người Palestine yêu cầu được trở lại nơi họ đã bị Israel trục xuất. Quân đội Israel ngày 14/5 nói rằng “10.000 người Palestine bạo động” đã tụ tập dọc hàng rào an ninh khiến nước này phản ứng bằng cách bắn chết hàng chục người. Trong khi đó, Hamas cáo buộc Israel “thảm sát khủng khiếp”.
Vương quốc Israel (1030 – 930 TCN). Đồ họa: Wiki.
Vương quốc Israel của người Do Thái được thành lập vào khoảng thế kỷ XI TCN. Năm 586 TCN, Babylon chinh phục nơi này rồi đày người Do Thái đến Babylon. Khu vực sau đó nằm dưới kiểm soát lần lượt của Ba Tư và Đế quốc La Mã. Từ năm 641, người Arab nắm quyền cai quản trong 1.300 năm sau dưới nhiều triều đại khác nhau. Sự hiện diện của người Do Thái tại đây bị thu hẹp đáng kể, nhiều người sống lưu vong tại những nơi khác như châu Âu. Năm 1516, Đế quốc Ottoman chinh phục vùng đất này và gọi nó là Palestine thuộc Ottoman.
Chủ nghĩa phục quốc Do Thái trỗi dậy từ năm 1881 khi những cộng đồng Do Thái tha hương mong mỏi trở về “Vùng đất Israel” và mưu cầu thành lập một nhà nước Do Thái. Nhiều người Do Thái từ châu Âu hay Nga đã về định cư tại Palestine thuộc Ottoman.
Sau khi Thế chiến I kết thúc, Anh đánh bại Ottoman và họ gọi khu vực là “Lãnh thổ Ủy trị Palestine”. Nơi đây có đa số người Arab Hồi giáo sinh sống trong khi cộng đồng Do Thái và Kitô giáo chiếm thiểu số. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, dân số Do Thái tại đây tăng mạnh do những người Do Thái ở châu Âu chạy trốn đến đây vì thảm họa diệt chủng Holocaust, khiến phương Tây thúc đẩy ý tưởng về việc tạo ra ngôi nhà riêng cho người Do Thái.
Liên Hợp Quốc năm 1947 thông qua kế hoạch phân chia “Lãnh thổ ủy trị Palestine” thành hai quốc gia Do Thái (Israel) và Arab (Palestine) riêng biệt. Liên Hợp Quốc trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.
Kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947. Đồ họa: Washington Post.
Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này và thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5/1948. Trong khi đó, phe Arab phản đối kế hoạch và tiến hành chiến tranh với Israel năm 1948 – 1949. Israel giành chiến thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phân chia của LHQ. Họ cũng trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi những khu vực này.
Trong khi kế hoạch ban đầu phân bổ 55% “lãnh thổ ủy trị Palestine” cho Israel và 45% cho người Palestine, cuộc chiến năm 1948 đã giúp Israel kiểm soát 78% đất. 22% còn lại, gồm dải Gaza và Bờ Tây được kiểm soát lần lượt bởi Ai Cập và Jordan. Lực lượng Ai Cập thiết lập một căn cứ ở Gaza.
3/4 trong số một triệu người Palestine đã bỏ chạy hoặc bị trục xuất khỏi nhà của họ tại các vùng đất Israel kiểm soát từ năm 1948, trong thời gian họ gọi là “al-Nakba” (Thảm họa). Mặc dù Ai Cập kiểm soát Gaza, những người tị nạn Palestine ở đây không được đến Ai Cập. Mất nhà cửa và kế sinh nhai, khoảng 500.000 người phải sống phụ thuộc vào viện trợ của Liên Hợp Quốc.
Gaza nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ai Cập cho đến cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, khi Ai Cập quốc hữu hóa tuyến vận chuyển chính để đối đầu với Anh và Pháp, ngăn cản các tàu Israel đi qua kênh này. Israel trả đũa bằng cách tấn công Gaza, chiếm đóng dải này trong một năm trước khi áp lực quốc tế buộc họ phải trả lại cho Ai Cập.
Tình trạng phân chia năm 1948 – 1967. Đồ họa: Washington Post.
Chiến tranh 6 ngày
Năm 1967, Chiến tranh Sáu ngày nổ ra giữa các nước Arab và Israel. Nhận thức rõ về vị trí dễ bị tổn thương và ký ức đau thương về thảm họa Holocaust, Israel đã chú trọng xây dựng một quân đội mạnh mẽ và được tổ chức tốt. Nhờ vậy, họ nhanh chóng chiến thắng liên minh Arab và kiểm soát 22% còn lại gồm Bờ Tây và Dải Gaza.
Israel đóng quân tại Gaza và thiết lập các khu định cư tại vùng đất mới chiếm đóng, bất chấp luật pháp quốc tế cấm bên chiếm đóng đưa người dân của họ đến sống ở vùng đất chiếm giữ. Tại Gaza, hơn một triệu người tị nạn sống dưới sự cầm quyền của Israel.
Năm 1993, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký Hiệp định hòa bình Oslo. PLO là tổ chức chính trị và bán quân sự được Liên đoàn Arab xem là đại diện hợp pháp của nhân dân Palestine kể từ tháng 10/1974. Israel chuyển quyền kiểm soát một số phần ở Gaza và Bờ Tây cho chính quyền bán tự trị được gọi là Chính quyền Dân tộc Palestine, để đổi lấy một thỏa thuận ngăn chặn bạo lực các nhóm du kích Palestine, trong đó có Hamas – đã hình thành trong xung đột bạo lực giữa người Palestine và quân Israel năm 1987. Tuy nhiên, Chính quyền Dân tộc Palestine không thể ngăn cản các cuộc tấn công.
Tình trạng sau năm 1967. Đồ họa: Washington Post.
Năm 2006, Hamas thành lập chính phủ riêng ở Gaza. Tuy nhiên, Israel đã áp đặt phong tỏa ranh giới trên đất, trên biển và trên không với Gaza. Các tổ chức nhân quyền nói động thái này bóp nghẹt nền kinh tế và gây ra những ảnh hưởng tàn khốc đến cuộc sống ở Gaza. Khoảng 80% trong số 1,3 triệu người Palestine ở Gaza sống dựa vào viện trợ và hơn nửa triệu người sống trong các trại tị nạn.
Những cuộc tấn công và nã rocket từ Hamas cùng các nhóm chiến binh khác ở Gaza đã bị Israel đáp trả bằng một số chiến dịch ném bom và các cuộc tấn công trên đất liền. Hàng năm, căng thẳng hai bên lại bùng phát mạnh mẽ trong những tuần lễ trước “ngày Nakba” 15/5.
Năm nay, Hamas đã chỉ đạo cuộc biểu tình với tên gọi “Great March of Return” (cuộc diễu hành trở về), hàng nghìn người biểu tình Palestine tập trung ở ranh giới Gaza với Israel để yêu cầu được quay về quê hương, khi diện tích chỉ 365 km2 của Gaza không thể đáp ứng được dân số 1,8 triệu người. Căng thẳng càng dâng cao khi Mỹ chuyển sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Người Palestine cho rằng việc Mỹ di dời đại sứ quán thể hiện sự ủng hộ Israel nắm quyền đối với toàn thành phố Jerusalem trong khi người Palestine tuyên bố có quyền chủ quyền với phần phía đông Jerusalem.
Phương Vũ