Ngày 15/5 là tròn 70 năm Ngày Nakba “Thảm họa” của Palestine khi hàng trăm nghìn người dân phải rời bỏ quê hương vào năm 1948.
Nỗi buồn ấy năm 2018 bị nhân lên gấp đôi khi mà Chính phủ Mỹ ngày 14/5 hiện thực hóa việc công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel, bằng hành động chuyển Đại sứ quán của nước này từ Tel Aviv tới đây. Một quá khứ đau buồn, một tương lai mờ mịt đang khiến cho Ngày Thảm họa của Palestine càng thêm “tồi tệ”.
Người Palestine bị thương do trúng đạn pháo từ lực lượng an ninh Israel. Ảnh: Reuters
Trong dịp kỷ niệm “Ngày thảm họa” của dân tộc, bà Fdeilat, một người tị nạn của Palestine sống tại Jordan chia sẻ về những tháng ngày chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh với Israel: “Cuộc chiến bắt đầu lan rộng khắp nơi. Lúc Khi đó, hầu hết mọi người đều làm việc ngoài đồng, một số người đang thu hoạch trên mảnh đất của họ. Tuy nhiên họ chạy trốn chỉ với bộ quần áo mang trên mình. Họ rời đi và để lại mọi thứ ở lại quê hương mình”.
Quá khứ buồn ấy vẫn luôn ám ảnh bà Fdeilat trong từng giấc ngủ. Bà vẫn kể những câu chuyện buồn này cho những đứa con mình và các đứa trẻ sống tại trại tị nạn Baqaa tại Jordan – nơi có tới 120.000 người tị nạn Palestine sinh sống, trong đó có tới 32% số người sống dưới mức chuẩn nghèo của quốc gia sở tại và 17% là thất nghiệp.
Bà Fdeilat cho biết thêm: “Chúng tôi không có cuộc sống bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi và đất nước của chúng tôi. Chúng tôi không có gì cả. Đây là danh tính của tôi – người tị nạn”. Nỗi buồn của bà Fdeilat cũng là cuộc đời của nhiều người Palestine đang phải tị nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Libăng hay Jordan.
Còn tại đất nước Palestine, khi mà quốc gia này vẫn chưa thể quên đi quá khứ đau buồn của Ngày Thảm họa, thì ngày hôm qua họ lại chứng kiến thêm một ngày “đẫm máu” nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine kể từ năm 2004.
Ngày 14/5, quân đội Israel đã bắn chết 59 người biểu tình Palestine và khiến 2.700 người khác bị thương khi người biểu tình Palestine tiến về hàng rào biên giới. Trước sự việc này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã coi đây là một “ngày Thảm sát” của một quốc gia “khủng bố” là Israel.
6 tuần lễ biểu tình của người Palestine nhằm phản đối sự chiếm đóng của Israel, tưởng chừng có thể kết thúc trong ngày hôm qua, đã “bùng nổ” và biến thành bạo lực đẫm máu, trở thành đỉnh điểm của sự giận dữ của người Palestine khi mà Mỹ lại chọn ngày này để khai trương Đại sứ quán của mình tại Israel ở thành phố Jerusalem.
Theo lời kêu gọi của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, một cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ diễn ra trong Ngày Thảm họa: “Chúng tôi sẽ treo cờ rủ trong ba ngày quốc tang nhằm tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Gaza và sẽ có một cuộc biểu tình lớn vào ngày Nakba. Đây là ngày kỷ niệm 70 năm người Palestine bị người Israel buộc rời khỏi đất nước mình vào năm 1948”.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ trích việc Mỹ chuyển Đại sứ quán tại Israel đến Giêruxalem, trong đó có cả những đồng minh phương Tây thân cận. Nhiều quốc gia tuyên bố sẽ không theo chân Mỹ trong vấn đề này. Cộng đồng quốc tế cũng lên án tình trạng bạo lực tại Gaza, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Trước những lời lên án nhằm vào mình, Israel và Mỹ đã cáo buộc phong trào Hamas của Palestine đã kích động biểu tình “bạo lực”, khiến cho lực lượng an ninh nước này phải hành động. Nhiều khả năng, trong những giờ tới, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp khẩn về vấn đề này./.
Đình Nam/VOV