Các bức ảnh vệ tinh cho thấy một máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào cuối tháng trước.
Bức ảnh vệ tinh chụp ngày 28/4 cho thấy một chiếc máy bay vận tải Y-8 của Trung Quốc đang đậu trên đường băng ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AMTI)
Sự hiện diện của máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 trên đường băng thuộc đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa được vệ tinh chụp lại vào ngày 28/4, cho thấy Trung Quốc đến nay đã đưa máy bay quân sự ra tất cả 3 đường băng trên 3 cấu trúc khác nhau thuộc quần đảo này, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington vừa cho biết.
Tháng trước, báo Philippines Daily Inquirer đăng các bức ảnh được chụp hồi tháng 1 ghi lại hình ảnh 2 máy bay vận tải Trung Quốc, được cho là dòng máy bay Xian Y-7, hiện diện trên đá Vành Khăn. Tháng 4/2016, một máy bay tuần tra biển của Trung Quốc, có thể là Y-8, hạ cánh xuống đã Chữ Thập để sơ tán 3 người bị ốm ở đây.
Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ quốc tế S Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore, nói rằng chiếc máy bay quân sự xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh mới nhất có vẻ là một chiếc máy bay vận tải quân sự “thông thường” theo khái niệm của Trung Quốc.
Chuyên gia này cho biết dù quân đội Trung Quốc coi Y-8 là dòng máy bay vận tải, có thể chở hơn 120 hành khách, nhưng nhiều chiếc trong số đó đã được gắn thêm thiết bị thu thập thông tin tình báo.
“Sự xuất hiện của máy bay vận tải cấp độ quân sự ở khu vực tranh chấp không phải là điều bất bình thường”, ông Koh nói. “Điều đáng chú ý là quy mô các đường băng mà Trung Quốc xây trên các đảo nhân tạo giúp những máy bay như vậy có thể hỗ trợ các chiến dịch không vận quy mô lớn hơn nhiều, ví dụ như trong hoạt động vận chuyển trang thiết bị quân sự quy mô lớn ra đó”, ông Koh nói.
Các đường băng mà Trung Quốc tạo nên trên các cấu trúc mà nước này chiếm đóng trái phép có thể tiếp nhận các dòng máy bay vận tải hạng nặng Y-20, máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay chiến đấu, ông Koh cho biết.
Tại một cuộc họp báo tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh dường như xác nhận thông tin trên báo chí Mỹ nói rằng Bắc Kinh đã triển khai các hệ thống tên lửa ra quần đảo Trường Sa, nhưng nói rằng “các hoạt động triển khai liên quan không nhằm vào ai”.
Phản ứng trước thông tin này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay.
“Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”, bà Hằng nói.
BÌNH GIANG (Tiền phong)