Có 29 trường hợp tiết lộ thông tin nội bộ ra ngoài bị Apple phát hiện trong năm ngoái, và 12 nhân viên trong số đó đã bị bắt giữ.
Theo trang công nghệ PhoneArena, để đảm bảo nhân viên không tiết lộ thông tin mật cho giới truyền thông, Apple cảnh báo: “Những người này không chỉ bị sa thải mà còn có thể gặp khó khăn khi xin việc ở công ty khác”. Trớ trêu thay khi cảnh báo cấm nhân viên làm rò rỉ thông tin của Apple lại bị… rò rỉ ra ngoài.
Một số thông tin bị tiết lộ cũng được Apple ghi rõ. Cụ thể hơn, trong một cuộc họp của giám đốc mảng phần mềm Craig Federighi, anh cho biết một số tính năng phần mềm của iPhone sẽ bị dời ngày phát hành, và nó đã bị tiết lộ cho giới truyền thông. Apple sau đó điều tra và sa thải nhân viên làm lộ thông tin.
Một trường hợp khác, thông tin chi tiết về gói phần mềm chứa nhiều thông tin liên quan đến Apple Watch và iPhone X đã bị rò rỉ trước ngày ra mắt. Vào năm ngoái, Apple tổ chức một cuộc họp nội bộ tên là “Stopping Leakers – Keeping Confidential at Apple” (tạm dịch: Ngừng tiết lộ – Giữ bí mật tại Apple), và những thông tin về cuộc họp tiếp tục tuồn ra khỏi công ty. Táo khuyết cho biết chứng cứ pháp lý điện tử cũng giúp hãng tìm ra nhân viên tiết lộ cho một trang tin điện thoại thông tin mật về iPhone X, iPad Pro và AirPods.
Apple cũng đang làm việc với các nhà cung cấp để ngăn chặn việc ăn cắp sở hữu trí tuệ và xác định cá nhân cố gắng truy cập vào thông tin mà họ không được phép. Tuy nhiên, thông tin vẫn không thể nằm trong quyền kiểm soát của Apple. Chỉ mới tháng trước, hãng đã sa thải một nhân viên vì chuyển thông tin mật đến giới truyển thông về lộ trình phát hành phần mềm. Khi được hỏi sao lại làm thế, anh chỉ nói rằng mình không nghĩ sẽ bị bắt.
Các hãng công nghệ như Apple thường đều phát hiện ra ai là người làm lộ thông tin mật, họ không chỉ bị sa thải mà có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù.