Tin từ Saigon Broadcasting Television Network: “Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, ông đã từ chức hồi năm ngoái sau khi chính phủ Trump yêu cầu ông áp lực chính quyền Việt Nam nhận lại hơn 8,000 người tị nạn Việt Nam mà Hoa Kỳ muốn trục xuất. Đại đa số người bị nhắm trục xuất là người tị nạn đã đến Mỹ sau chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 40 năm, và một số người chỉ phạm những tội tiểu hình”.
Sau thông tin trên, cũng theo SBTN, ông Osius nói rằng: “Nếu bị trả về một đất nước cai trị bởi một chế độ cộng sản mà họ không bao giờ chấp nhận, nhiều người tị nạn sẽ trở thành những trường hợp nhân quyền, và chính phủ Hoa Kỳ sẽ có lỗi”.
Đây có thể là một đánh giá chủ quan của ông cựu đại sứ này. Bởi, rất nhiều người Việt ra đi sau sự kiện 30-4-1975 khi quay lại đã không nhận bất cứ sự đối xử nào, thậm chí họ còn được tạo điều kiện để sống trên chính quê hương, đất nước của chính mình; chấm dứt tình trạng lưu vong và lấy cái nghề chống lại tổ quốc và đất nước của mình để làm kiếm kế mưu sinh.
Tuy nhiên, quay lại thông tin được chia sẻ từ ông Osius (mặc dù chính SBTN xác nhận cả Bộ Ngoại Giao và Bộ Nội An Hoa Kỳ đều chưa bình luận gì về những tiết lộ của cựu Đại sứ Osius). Nhưng điều đó là có cơ sở vì nhiều tháng qua, “Cơ Quan Chấp Pháp Di Trú Và Thuế Quan Hoa Kỳ ICE đã bắt giữ người di dân không giấy tờ từ Việt Nam với số lượng chưa từng có. ICE ước lượng chỉ riêng trong tháng 10, họ đã câu lưu hơn 100 người Việt Nam trên khắp nước Mỹ”.
Cũng có thông tin, cùng với chiến dịch được đề cập nói trên từ Cơ Quan Chấp Pháp Di Trú Và Thuế Quan Hoa Kỳ ICE thì chính phủ Trump cũng đang áp lực Việt Nam nhận lại những người Việt bị Hoa Kỳ trục xuất. Và nếu điều đó được diễn ra như thông tin thì có vẻ như vấn đề sẽ không chỉ xảy đến với những người Việt đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ mà cả với giới chức trong nước. Họ sẽ trở về ra sao và giới chức trong nước sẽ đáp ứng được bao nhiêu điều kiện và nhu cầu để họ quay trở lại?
Đó thực sự là bài toán khó nhưng nếu họ thực sự thành tâm, muốn quay trở về để cống hiến và sống tại đất nước thì giới chức trong nước sẽ tạo điều kiện hết sức. Đó cũng là cách để rút ngắn công cuộc hòa giải dân tộc đang được đặt ra. Tất nhiên, với những kẻ như Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Việt Khang, Nguyễn Văn Hải sẽ không cơ hội để về, dù họ muốn đi chăng nữa!
Hi vọng rằng, động thái này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới thái độ một bộ phận có tư tưởng chống đối trong nước. Khi mà đường sang Mỹ không còn thì nếu bị bắt sẽ chỉ còn ở trong nước mà chịu trận. Đó là chưa nói, nếu thực hiện điều này thì phía Mỹ sẽ ít chú ý hơn tới số chống đối trong nước. Việc can thiệp để chúng đi ra ngoài và định cư tại Mỹ hay một quốc gia nào khác vì thế càng không xảy ra.