Buộc tội một cách vô lý mà không đưa ra bằng chứng nào, tiến hành trừng phạt trong khi quá trình điều tra vẫn đang tiến hành (nếu quả thực có một quá trình điều tra), đây là một vết nhơ lớn nữa trên danh tiếng của các nền “dân chủ, tiến bộ” phương Tây, một trò hề nhục nhã.
Mỹ và 17 nước trục xuất gần 100 nhà ngoại giao Nga trong một phản ứng tập thể vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh.
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/3 quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao và yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán của mình tại Seattle. Trong số này có 12 người đăng ký là nhân viên tình báo ở Phái đoàn Nga tại New York. Những viên chức này có 7 ngày để rời nước Mỹ.
17 nước khác (14 nước thuộc EU) cùng với Canada, Ukraine và Albania đồng loạt trong ngày trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Các nước đều tuyên bố trục xuất để thể hiện sự đoàn kết với nước Anh trong vụ cựu điệp viên bị đầu độc. Việc 18 nước cùng hành động một lúc thể hiện một kịch bản đã soạn sẵn.
Trong thông báo với phóng viên, quan chức cao cấp Nhà Trắng nói động thái là để loại bỏ gián điệp Nga hoạt động tại Mỹ và để chứng tỏ Washington đoàn kết với đồng minh NATO.
Ngay sau khi quyết định trục xuất nhân viên ngoại giao Nga được các nước phương Tây đưa ra, Moscow tuyên bố sẽ có hành động đáp trả. Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời một thành viên thượng viện Nga cho biết Moscow sẽ trục xuất ít nhất 60 nhân viên ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga của phương Tây là “Động thái khiêu khích thông đồng với London của những nước này là sự nối dài của con đường đối đầu leo thang căng thẳng”, trái với lý lẽ thông thường, phá hoại các nguyên tắc đối thoại văn minh và luật pháp quốc tế.
Hôm 4/3, cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng con gái được phát hiện trong trạng thái hôn mê và trúng độc tại thành phố Salisbury, Anh. London tuyên bố hai người này bị đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichock, một chất độc hóa học quân sự được sản xuất từ thời Liên Xô. Ông Skripal và con gái vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Anh hôm 14/3 đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Ngay lập tức, Nga đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh trong động thái đáp trả London. Phía Nga cũng cho biết sẽ đóng cửa Hội đồng Anh ở Nga, đồng thời ngưng việc cho phép Anh mở tổng lãnh sự quán ở thành phố St. Petersburg.
Trò chơi “trục xuất” kiểu “bánh ít trao đi, bánh chì trả lại” giữa các quốc gia thù địch diễn ra như cơm bữa. Chính quyền Reagan buộc 55 nhà ngoại giao Liên Xô phải rời đi năm 1986 để hạn chế hoạt động gián điệp; Tháng 3/2001, chính quyền Bush từng trục xuất 50 nhà ngoại giao Nga; Chính quyền Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và chặn không cho tiếp cận hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ để đáp trả cái gọi “Moscow can thiệp vào bầu cử năm 2016”.
Phía Nga cũng đã có động tác ăn miếng, trả miếng tương tự, thậm chí mặng tay hơn. Sau việc chính quyền Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao của mình, hè 2017, Nga trả đũa bằng việc yêu cầu Mỹ phải cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao của Mỹ tại nước này.
Trò chơi vu cáo Nga đầu độc ngay trước ngày bầu cử Tổng thống Nga thực chất là âm mưu kích hoạt một chiến dịch truyền thông nhằm đánh vào uy tín của Putin nhưng tính toán sai lầm ấy ngờ đâu lại kích hoạt tính dân tộc của người Nga. Putin chiến thắng vang dội, đè bẹp phái thân phương Tây.
Bẻ mặt vì thất bại, phương Tây đã đẩy Anh lên làm lính xung kích mở mặt trận mới cáo buộc chính phủ Nga đứng sau vụ đầu độc này mà không cung cấp bất cứ tài liệu gì chứng minh cho cáo buộc của họ, bất chấp phía Nga đã bác bỏ và tuyên bố sẵn sàng hợp tác điều tra.
Sứ thần là di sản văn hóa bang giao có từ thời thượng cổ, khi mà giao thông đi lại còn khó khăn. Văn hóa và cả thành tựu khoa học kỹ thuật có sự tiếp thu, lây lan, phổ biến cũng nhờ một phần vào các sứ thần. Thu thập tình báo để phục vụ cho phát triển, cho bảo vệ đất nước mình cũng có công lớn của các sứ thần nên hầu hết các quốc gia đều coi trọng hoạt động này.
Xưa nay, Đại sứ nước nào mà chẳng là cái ổ gián điệp, tình báo. Bây giờ người ta còn tiến tới công khai hóa tên tuổi những nhân viên tình báo của mình với nước sở tại qua đăng ký. Trong quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao và yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán của mình tại Seattle hôm qua của Mỹ có nói rõ “Trong số này có 12 người đăng ký là nhân viên tình báo ở Phái đoàn Nga tại New York”.
Tuy nhiên, ngày nay vai trò sứ thần đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Nó mang tính biểu trưng nhiều hơn là thực dụng. Không gian sinh tồn cởi mở, giao thông liên lạc hiện đại, khoa học kỹ thuật tình báo phát triển đến mức có thể soi rõ từng cm trên trái đất, ghi âm vào đến tận phòng ngủ… thì việc đưa người đến tận nơi trở thành cổ điển.
Dàn dựng vụ “Nga sát hại điệp viên
hai mang Sergei Skripal bằng loại vũ khí hóa học cực độc có tên “Novichok là trò lừa đảo tầm cỡ vũ trụ của nhà cầm quyền Anh!”, đấy là phát ngôn của một vị đại sứ Nga.
Bẽ bàng thay “Novichok” không phải là tên gọi vũ khí hóa học siêu bí mật của Nga mà là mật danh của một chiến dịch phản gián của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) trước đây, được tiến hành để xác định một nguồn rò rỉ thông tin bí mật từ cơ quan tình báo của họ. Trong chiến dịch này, KGB xác định được Vil Mirzayanov chính là nguồn rò rỉ thông tin bí mật. Từ đó tương kế tựu kế, thông qua Vil Mirzayanov để chuyển tin tức giả cho Mỹ và NATO.
Hẳn nay mai, hàng trăm nhân viên ngoại giao của các quốc gia phương Tây phải xách va li rời Nga, nhưng đấy cũng chỉ là hành động mang tính biểu trưng mà thôi. Chính trị nó vậy!