Friday, November 22, 2024

Tin gì trên mạng?

Tin gì trên mạng?

Tiếng Việt có những ngẫu nhiên thú vị: tin (tức) cũng là tin mà tin (cậy), tin (tưởng) cũng là tin. Nhưng tin tức thật ra có hàm nghĩa tin cậy hay không nếu chỉ nhìn vào thực trạng báo chí và thông tin, đặc biệt thông tin trên mạng xã hội (MXH) hiện nay? Không phải bỗng nhiên mà Facebook, MXH lớn nhất thế giới hiện tại, với 1,9 tỷ người dùng tính đến đầu năm 2017, phải dùng tới hơn 133 nghìn biên tập viên tình nguyện để lọc tin tức “rởm” – fake news. Nó xác nhận một thực trạng báo động: tin rởm đang hoành hành trên mạng, và hệ lụy tất nhiên là tin rởm đổ ập vào báo chí, nhất là báo mạng.

Tin gì trên mạng?

Từ “bịa đặt thiện ý”…
Có những người, tôi biết, giỏi chuyên môn, đạo mạo, cực kỳ hiền lành và tốt bụng, nhưng vì làm việc trong môi trường mô phạm đã lâu, ít giao tiếp xã hội và đặc biệt ít dùng “ngôn ngữ mạng” trong đời thường cũng như công việc, bỗng dưng rất chăm chia sẻ những bài báo dạng chicken soup trên những trang mạng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt. Những câu chuyện cảm động về thư của Tổng thống Mỹ gửi cho thầy giáo tiểu học của con, bài làm văn của một em bé mồ côi cha mẹ khi thầy cô yêu cầu tả người thân yêu nhất với lời phê đầy nước mắt, một chuyến tàu bao nhiêu năm ở ga xép chỉ chở đúng một học trò đến trường… mà họ chia sẻ nhận được rất nhiều xuýt xoa của các ông bố bà mẹ khác. Những bài học nhân sinh, những triết lý làm người, và tất nhiên là cả những so sánh không thể không có: tổng thống người ta thế, thầy cô người ta thế, dịch vụ người ta thế. Mình thì…
Tôi đã rất nhiều lần hì hục tra cứu trên cuốn “Bách khoa toàn thư” vĩ đại nhất của loài người – Google – để tìm bản gốc của lá thư Tổng thống Mỹ gửi thầy giáo của con, hay tên cô bé hành khách duy nhất trên đoàn tàu qua ga xép ấy, nhưng chưa bao giờ thấy. Cũng có thể kỹ năng tìm kiếm của tôi kém, hay chưa đủ kiên nhẫn, nhưng như vậy cũng có nghĩa là cái bản gốc ấy không dễ tìm chút nào, và nhiều khả năng nó đã được tam tứ ngũ lục sao thất bản đi. Để làm gì? Để có một câu chuyện cảm động, thương tâm, lấy nước mắt, đánh vào lòng người để có nhiều view và nhiều share! Nhiều người sẽ lên tiếng bênh vực: “Dù sao cũng là những câu chuyện nhân văn, giáo dục đạo đức, nó có sai trái gì đâu? có hại đến ai đâu”? Có vẻ như không hại đến ai thật, nhưng nó tổn hại đến mục đích tối thượng của thông tin: độ xác tín! Còn nhớ một vụ “fake news thiện ý” cực kỳ nổi tiếng thế giới năm 2011: sau vụ sóng thần ở Nhật Bản, MXH lan nhanh không kém sóng thần câu chuyện về em bé xếp hàng nhận đồ cứu trợ ở Saitama do một blogger người Việt chia sẻ. Hầu như tất cả các báo Việt Nam đều đổ xô tìm kiếm tác giả câu chuyện để xác minh, có báo cử phóng viên sang tận Nhật Bản. Và kết quả chìm trong một sự lãng quên cố ý bởi tất cả những người có thể tìm đến tận nguồn gốc câu chuyện, tiếp cận sự thật đều quá đỗi bẽ bàng trước một câu chuyện được bịa đặt đẹp đẽ và hoàn hảo đến thế. Tôi có gặp nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Chu Xuân Giao, người đã bỏ hàng tháng trời tìm kiếm thông tin chân xác về vụ việc này, ông nói: “Chúng ta chỉ có thể rút ra một bài học cay đắng: thiện ý đi cùng sự dối trá sẽ làm tổn hại đến lòng tin vào cái thiện không kém gì một tội ác cố tình. Liệu sau đây ai còn dám tin vào những câu chuyên tương tự, có thật”?
… đến “công nghệ fake news”
Một tối mùa thu đẹp trời, GH, một nhà báo nổi tiếng đồng thời là một hot facebooker bỗng nhiên nhận được rất nhiều mention trong các comment từ một status được chia sẻ với tốc độ chóng mặt có nội dung: anh đang làm “dư luận viên” cho một tập đoàn nhiều tai tiếng, và đang đi đêm xin xỏ để hạ nhiều status của các facebooker khác đề cập đến các sai sót trong kinh doanh của tập đoàn này. Điều làm cho các status kia trở nên đáng tin cậy hơn là chúng đều có ảnh chụp màn hình anh đang chat inbox với chủ status, nội dung có tên doanh nghiệp kia. Đúng là “nhân chứng vật chứng đầy đủ, có mà cãi đằng trời“!
Nhà báo GH từ choáng váng đến… uất nghẹn, bởi mọi thứ đều là… thật. Chỉ có điều, tin nhắn ấy có từ hơn một năm trước, về một vấn đề hoàn toàn khác, liên quan đến doanh nghiệp kia, nhưng chủ thể không phải nó, mà là đơn vị công tác của anh, nơi đã có lời cam kết bảo mật nội dung thông tin cuộc làm việc với đối tác – chính là lãnh đạo tập đoàn kia. Từ khi facebooker GH biết tin đến lúc anh chính thức có lời trên mạng về tính bịa đặt của thông tin kia, khoảng 36 tiếng, đã kịp có vài nghìn lượt chia sẻ, nhân lên gấp vài chục lần là lượt bình luận, và vài chục lần nữa là lượt chia sẻ. Trong thời gian đó và trong không gian của các chia sẻ, bình luận, thích đó, danh dự của một cá nhân có thật đã bị tước đoạt…
Thầy giáo của người viết, một Giáo sư sử học đáng kính, một người dành cả cuộc đời tìm kiếm những sử liệu về độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, một ngày kia bỗng nhận được vô số điện thoại, email, tin nhắn (ông không chơi facebook, chỉ thỉnh thoảng ghé vào facebook của vợ để cập nhật tình hình bạn bè) hốt hoảng lo lắng hỏi han chất vấn về một phát ngôn của ông trong một hội thảo khoa học được một facebooker nào đó trích dẫn lại, tung lên mạng kèm hình ảnh rất sống động và phản cảm của ông về việc phủ định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tất nhiên là đồng nghiệp, học trò, những ai có mặt trong hội thảo thì đều không tin chuyện đó. Nhưng họ không thường trực trên mạng, cũng không rảnh đi từng nhà của người share bài để comment thanh minh cho thầy mình, bạn mình. Một đồng nghiệp của ông đã phải cất công tìm lại băng ghi âm (vì hội thảo đã lâu so với thời điểm tin fake tung lên mạng), sau đó đi “rải” khắp các tường nhà những người liên quan để minh định thông tin. Nhưng thói đời, thói mạng, share tin xấu thì nhanh, mà đính chính tin tốt thì chậm. Rất nhiều nhân sỹ đã chia sẻ bức hình với câu trích dẫn bịa đặt kia lặng lẽ tháo xuống, nhưng hầu như không ai có một lời xin lỗi với vị giáo sư. Ông nói, trong một nụ cười buồn: “Tôi biết rất rõ mình làm được những gì và còn nợ những gì. Nhưng bị tấn công theo cách đó, với thái độ hung hãn đó, bởi những người như vậy, đúng là một người làm sử như tôi không tưởng tượng nổi”…
Quay lại với câu chuyện tuyển hơn 133 nghìn biên tập viên tình nguyện của Mark Zurkenberg, dù thuật toán của facebook cho phép sàng lọc tối đa tin tức rởm, dù cách chọn lọc tương tác của facebook chỉ cho phép hiện lên tường nhà mỗi người dùng những tin tức từ những đối tượng bạn quan tâm nhất, việc facebook quay lại sử dụng lao động thủ công với sự mẫn cảm đặc biệt của con người để sàng lọc thông tin xấu trong môt thời đại mà máy móc đã làm thay đến 90% công việc, cho thấy: dù biển thông tin có mênh mông đến đâu, dù cơn sóng thần tin tức có mạnh cỡ nào, để lọc được fake news, điều quan trọng nhất vẫn chính là bạn, bản thân bạn, với sự tỉnh táo của trí não và nhạy cảm của trái tim mình…

Thu Hà (QĐND)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG