Mật điện dưới lòng đất về Mậu Thân 1968
Trong một lần về thực địa di tích lịch sử khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), đoàn cán bộ Bảo tàng Quân khu 7 nhận được thông tin có 651 tài liệu là những bức điện cơ yếu với nhiều nội dung về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đang lưu giữ tại Bảo tàng Tây Ninh.
Chúng tôi liền bỏ dở chuyến đi, quay về thị xã Tây Ninh tìm nhân chứng và đến Bảo tàng Tây Ninh với hy vọng có thể tiếp cận khối tài liệu quan trọng trên.
May mắn thay, đồng chí Giám đốc Bảo tàng tỉnh cũng từng là người lính trong chiến trận và bây giờ lại là những đồng nghiệp trong ngành di sản văn hóa nên chúng tôi đã xem được 20 trong tổng số 651 mật điện.
Các tài liệu cơ yếu được cất giữ trong một thùng đạn đại liên chôn sâu trong lòng đất tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam do nhân dân địa phương tìm thấy. Số còn lại chưa xem vì Bảo tàng tỉnh thông báo hiện vật còn đang lộn xộn, dính đất cát chưa có thời gian bảo quản.
20 mật điện được đoàn cán bộ Bảo tàng Quân khu 7 tiếp cận là những trang giấy mỏng manh đã ngã màu ố vàng, có những bức chữ đã nhòe, rách nhiều mảnh, nhiều trang giấy còn ẩm ướt. Xem những tài liệu đó, tiếng xuýt xoa trầm trồ không ngớt, đặc biệt của Đại tá, họa sĩ Phan Oánh (khi đó là Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7).
Từ lúc cầm trên tay những bức thư, anh rất xúc động, người chùng xuống, tay run run mở từng trang giấy. Nghĩ về những tháng ngày trong đội hình Sư đoàn 7 tấn công vào Sài Gòn năm 1968, anh Oánh như thất thần và đang có dự định gì đó.
Trên chuyến xe trở về đơn vị, anh nói: “Chúng ta phải có trách nhiệm với lịch sử. Mặc dù Bảo tàng Tây Ninh đang là chủ của số hiện vật này nhưng ta phải tìm cách để có được nội dung của nó”.
Mật điện dưới lòng đất về Mậu Thân 1968
Mật điện số 15/TK của “Công trường 5” gửi “R” – Ảnh Duy Thiệu.
Ít lâu sau, cả ngàn trang tài liệu đã được chúng tôi, đặc biệt là anh Phan Oánh nỗ lực vượt thời gian chụp và sao lưu toàn bộ. Những ngày làm việc miệt mài, nhiều hôm quên cả uống nước, ăn trưa, không biết trời tối từ khi nào đã được đền đáp. Hiện số tài liệu sao chụp này đang được phát huy giá trị tại Bảo tàng Quân khu 7.
Khối tài liệu cơ yếu là những hiện vật có giá trị to lớn về mặt sử liệu, nghiên cứu khoa học, tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Càng thấm sâu thời gian sẽ càng làm sáng tỏ giá trị lịch sử của sự kiện Mậu Thân 1968.
Các hiện vật này phản ánh sinh động cuộc chiến đấu của quân dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, diễn ra trên khắp miền Nam từ Quãng Trị, Thừa Thiên – Huế đến tận Cà Mau, từ Tây nguyên (Mặt trận B3) đến duyên hải Nam Trung bộ – Khu 5, đồng bằng sông Cửu Long, từ đô thị đến nông thôn…
Từ diễn biến sôi động của chiến trường đến sự hối hả của Sở Chỉ huy ở hậu phương, những giờ phút căng thẳng, căng não suy nghĩ của chỉ huy mặt trận…; từ viên đạn, khẩu súng, lương khô, áo mặc của người lính đến khối lượng khổng lồ vật chất chuẩn bị cho một chiến dịch lớn; từ chỉ đạo tác chiến đến công tác hậu cần kỹ thuật; từ trong căn cứ đến tiền duyên địch; từ công tác huấn luyện đến sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trận đánh…
Mật điện dưới lòng đất về Mậu Thân 1968
Mật điện số 80/TK của “PK7” gửi “R” – Ảnh Ảnh Duy Thiệu.
Các tài là những mật thư của các đơn vị chủ lực, Lực lượng vũ trang địa phương, cơ quan tác chiến, hậu cần và cơ quan nghiệp vụ. Số lượng điện nhiều nhất là Công trường 9 (Sư đoàn 9) với 69 bức và Công trường 7 (Sư đoàn 7) với 62 bức. Thời gian sớm nhất là điện số 11/TK, ngày 04/01/1968 và muộn nhất là điện số 453/TK, ngày 17/12/1968 của Bộ Quốc phòng.
Có nhiều mật điện ghi cụ thể tên cơ quan, đơn vị nhưng cũng có những bức điện có nhiều nội dung còn nguyên mã hóa, bí danh, địa danh, mật danh, ký hiệu đơn vị, nhiều số liệu về tổ chức biên chế, thương binh tử sĩ…
Trong đó, có những nội dung cần có sự giải mã, giải mật để phục vụ công tác nghiên cứu, viết lịch sử, tìm hài cốt liệt sĩ, tìm người mất tin, mất tích, bỏ ngũ, đầu hàng địch… Đáng chú ý trong những bí danh, mật danh đó phải kể đến những cái tên: Bác Hương, Cậu Vũ, Năm Trường, Ba, Văn, Dũng, Hàm, Thiện…
Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu hết sức quan tâm, theo dõi sâu sát diễn biến của chiến trường, chỉ đạo kịp thời các hoạt động của ta và hành động của địch. Mật điện số 453/TK, ngày 17/12/1968 của Bộ gửi anh An, anh Trọng viết:
“1/ Hiện nay địch đã đưa lực lượng mới (2 lữ sư 101) vào Biên Hòa và chúng đang dùng lực lượng sư 25 Mỹ và ngụy, trước mắt hoạt động nhỏ, thọc sâu vào căn cứ ta và có thể nống ra dọc biên giới nhằm phá kho tàng, ngăn chặn hoạt động của ta.
Đây là thời cơ tốt để tiêu diệt quân địch nống ra ngoài công sự mà không phải đánh điểm mới diệt được địch ra viện. Diệt được bọn này thì vừa bảo vệ được các cơ quan kho tàng ta vừa phá được kế hoạch thăm dò của địch.
2/ Cần bám sát bọn 101 dù xem ý định của chúng làm gì và có kế hoạch tập kích phủ đầu làm cho chúng bị thiệt hại và mất tinh thần ngay khi mới vào.
3/ Theo âm mưu của địch đưa thêm 2 lữ dù mới của Mỹ và vừa hoạt động vào ranh giới giáp Miên. Đồng thời chuẩn bị để truy kích ta trên đất Miên, ngoài này dự đoán có thể sắp đến địch sẽ hành quân lớn đánh vào các cơ sở quan trọng của ta và có thể đổ quân vào đất Miên.
Vậy cần theo sát âm mưu của địch…”
Mật điện dưới lòng đất về Mậu Thân 1968
Nội dung trong một mật điện – Ảnh Duy Thiệu.
Cùng với quân dân toàn miền Nam, quân dân Tây nguyên bước vào trận với khí thế cách mạng tiến công. Bộ Tư lệnh B3 báo cáo 115 ngày tổng công kích, tổng khởi nghĩa (30/01- 25/5/1968). Trong mật điện số 322/TK ngày 14/5/1968, có đoạn viết:
“Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, toàn chiến trường Tây nguyên đã mở giai đoạn TCK-TKN bằng một loạt trận tấn công mãnh liệt vào 03 thị xã và thị trấn tân cảnh, nhiều quận lỵ khác.
Ta đã đánh chiếm hầu hết và tiêu diệt một bộ phận quan trọng cơ quan đầu não ngụy quân ngụy quyền tấn công vào các căn cứ hậu cần, sân bay, kho tàng, cầu, riêng đường số 19 Plei ku- An Khê, đánh 40 trận diệt 1.229 tên Mỹ, phá hủy 495 xe, có 69 xe bọc thép, bắn rơi 05 phi cơ, 03 pháo.
Tinh thần địch sa sút dao động hơn lúc nào hết.
Những ngày đầu của giai đoạn TCK- TKN phối hợp với chiến trường toàn Quân khu, ở chiến trường Tây nguyên đã thu được những thắng lợi chưa từng có và cũng là thất bại nặng lớn nhất của địch từ trước đến nay đó là một sự thất bại nặng nề toàn diện, một sự thất bại có ý nghĩa chiến lược.
…Khí thế cách mạng của các dân tộc Tây nguyên cũng được phát động cao nhất từ trước đến nay, mở ra một vùng bàn đạp mới vùng phụ cận, nhân dân sẵn sàng đứng dậy đánh đổ ngụy quyền, diệt kìm kẹp bảo tồn chính quyền cách mạng, sẵn sàng khi giải phóng thị xã, tích cực giúp đỡ bộ đội, đã đóng góp sức người sức của phục vụ chiến đấu”.
Mật điện dưới lòng đất về Mậu Thân 1968
Các tài liệu được sao lưu hiện được lưu trữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Quân khu 7 – Ảnh Duy Thiệu.
Đọc những tài liệu đó, ta nhận thất một không khí hào sảng của người vô trận, khí thế ra quân của các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và sự nổi dậy của nhân dân miền Nam với niềm tin đập tan bộ máy chính quyền của quân xâm lược Mỹ và bọn tay sai bán nước, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được nêu trong các cuộc tổng kết, hội thảo khoa học và các xuất bản phẩm.
Song, với 651 tài liệu cơ yếu còn tiềm ẩn nhiều nội dung lịch sử mà nếu được nghiên cứu sẽ là những tư liệu quý giá bổ sung vào những nhận định, đánh giá và làm sâu sắc hơn giá trị lịch sử của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Theo Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam