Friday, November 22, 2024

Lệnh miệng rất nguy hiểm, bởi “Cáo mượn oai Hùm”!

Và đôi khi, qua lệnh miệng mà cấp trên biết đâu đấy lại lách luật để ép cấp dưới làm 1 việc theo ý mình, ông Lê Như Tiến nói.

Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” đang được xét xử có liên quan đến ông Đinh La Thăng đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước.

Trong quá trình theo dõi vụ án, một vấn đề nhiều người đặt ra là làm sao kiểm soát được việc cấp trên cố tình chỉ đạo miệng ép buộc cấp dưới phải thi hành mệnh lệnh của mình.

Thói quen này được sử dụng như một “tiểu xảo” để che giấu ý đồ nếu bị pháp luật “sờ gáy” thì cấp trên sẽ vin vào việc không có văn bản chứng minh để nói mình “vô can”.

Trong vụ án này, quá trình xét xử có việc ông Đinh La Thăng và cấp dưới “tố” lẫn nhau về trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm.

Lệnh miệng rất nguy hiểm, bởi

Ông Đinh La Thăng không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới làm trái luật (ảnh nguồn TTXVN).

Đơn cử, tại phiên xét xử ngày 11/1, biện minh cho lý do chuyển cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng, bị cáo Vũ Hồng Chương – nguyên Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cho rằng: “Tôi là đơn vị cấp dưới, đơn vị phụ thuộc phải nghe lời cấp trên.

Vì sức ép công việc, “trên đe dưới búa” và chính sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn dầu khí trong khi tôi chỉ là mắt xích nhỏ trong hoạt động của tập đoàn thì buộc phải tuân lệnh”.

Ông Chương còn cho rằng: “Lãnh đạo tập đoàn yêu cầu tôi phải thực hiện chuyển tiền cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí ngay trong ngày. Biết vi phạm nhưng không có cách nào khác”.

Trong khi đó, ông Đinh La Thăng lại có biện luận ngược lại. Ông Thăng nói: “Việc thúc ép tiến độ là cần thiết.

Tuy nhiên, Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí đều chỉ đạo làm theo quy định pháp luật, không vì lý do nào biết vi phạm mà vẫn thực hiện”.

Nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam còn cho rằng: “Tất cả quyết định của lãnh đạo, ban giám đốc, hội đồng thành viên nếu không đúng pháp luật người thực hiện có quyền không làm.

Nếu lãnh đạo vẫn yêu cầu cấp dưới làm thì phải có văn bản bảo lưu”.

Qua câu chuyện trên để thấy, việc chỉ đạo miệng hiện cần thiết phải được kiểm soát, nếu không có thể sẽ bị cấp trên lợi dụng để đưa ra những mệnh lệnh sai trái và bản thân cấp dưới khó có cách để thoái thác.

Lệnh miệng rất nguy hiểm, bởi

Theo ông Lê Như Tiến: “Cần luật hóa quy định việc sử dụng mệnh lệnh hành chính, tránh tình trạng chỉ đạo miệng số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng”

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Đại biểu Quốc hội (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội).

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Trong luật của chúng ta không có một điều nào nói rằng phải chỉ đạo bằng miệng hoặc chỉ đạo bằng miệng buộc phải thi hành.

Thế nhưng thực tế cấp trên đã gọi điện thoại xuống, ra lệnh thì cấp dưới bao giờ cũng coi đó là mệnh lệnh bắt buộc. Đó là thứ mệnh lệnh bất thành văn”.

Theo Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội: “Qua vụ án xét xử ông Đinh La Thăng và các bị cáo thì bộ máy hành chính của chúng ta cũng phải đưa vào quy định cứng hoặc luật hóa việc này.

Phải có quy định chặt chẽ vấn đề này nếu không nguy hại sẽ rất lớn”.

Ông Lê Như Tiến phân tích thêm: “Chúng ta phải quy định khi trên lệnh cho cấp dưới những mệnh lệnh có giá trị kinh tế cao hoặc có vấn đề đặc biệt quan trọng buộc phải lệnh bằng văn bản.

Trừ các việc như thủ trưởng lệnh cho lái xe đi đón thì truyền đạt bằng miệng …nhưng những chỉ đạo liên quan đến hàng nghìn tỉ đồng không thể chỉ đạo bằng miệng được.

Bởi, chỉ đạo bằng miệng sẽ gây áp lực cho cấp dưới, nếu không thực hiện thì bảo chống lệnh nhưng khi thực hiện cấp dưới dễ bị quy kết tự ý làm trái”.

Vị chuyên gia này còn cho biết thêm: “Nếu bắt buộc ra lệnh bằng văn bản thì cấp dưới dựa vào đó để yêu cầu lệnh bằng văn bản, có bút tích đàng hoàng, thời gian, lộ trình thực hiện cụ thể.

Có như vậy, khi cần thì căn cứ vào đó để xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, của lãnh đạo cấp trên và nhân viên cấp dưới.

Trong văn bản, phải thể hiện được các nội dung cụ thể như lệnh này của ai, nội dung là cái gì, việc ấy tiền, tài sản chuyển qua đâu…”.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Các mệnh lệnh của cấp trên trong chỉ đạo liên quan đến số tiền lớn cần thiết phải được chỉ đạo bằng văn bản, không thể có chuyện chỉ đạo miệng.

Qua vụ án xét xử ông Đinh La Thăng cần thấy rằng, từ nay trở đi trong các cơ quan hành chính cũng nên bỏ đi những mệnh lệnh theo kiểu mệnh lệnh miệng. Mệnh lệnh theo kiểu truyền khẩu.

Thậm chí, hiện còn tình trạng thông qua trợ lý để ra lệnh cho cấp dưới. Trợ lý nói với cấp dưới kiểu “đồng chí sếp nói như vậy, anh có thực hiện không?”.

Đã mệnh lệnh bằng miệng rồi còn truyền khẩu qua người khác nữa thì nguy hại vô cùng”.

Cuối cùng nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến khẳng định: “Chúng ta phải rút kinh nghiệm đau xót.

Nếu như mệnh lệnh hành chính mà thực hiện bằng miệng buộc cấp dưới thực hiện đó là một áp lực rất mạnh đối với cấp dưới.

Khi xảy ra sai hoặc đổ bể thì ai chịu trách nhiệm cho sự đổ bể này?.

Trên thì bảo không có văn bản nào chỉ đạo, dưới thì bảo anh chỉ đạo miệng, điều này rất nguy hiểm. Cho nên dần dần tiến tới chấm dứt mệnh lệnh miệng”.

Bạch Đằng

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG