Sau “chấn thương” do đại dịch COVID-19 gây ra thì cuộc xung đột Nga- Ukraine lại làm gia tăng thêm nhiều bất ổn: lạm phát, nợ công tăng kỷ lục, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm việc làm, cắt giảm lao động. Lợi dụng vấn đề của toàn cầu, các thế lực thù địch lồng ghép các quan điểm sai trái để kích động công nhân, người lao động biểu tình, đòi quyền lợi. Chúng cố tình lật ngược bản chất, đánh tráo khái niệm “độc lập” và “đối lập” để hô hào đòi thành lập các “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập” nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Công đoàn Việt Nam, từng bước hình thành tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thời gian vừa qua, tổ chức phản động Việt Tân đã tổ chức “Diễn đàn công nhân Việt Nam: Cơ hội, thử thách và giải pháp” để đưa ra quan điểm phiến diện, quy chụp đối với hệ thống Công đoàn Việt Nam. Chúng cho rằng Việt Nam đã “không tuân thủ các cam kết liên quan đến quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Chúng cũng rêu rao việc Việt Nam sửa đổi Luật Lao động “chỉ là hình thức”, còn thực hiện “cũng vẫn chỉ là trên giấy”. Trơ tráo hơn nữa, chúng phủ nhận vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và xách mé tuyên bố “chỉ có công đoàn độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ đảng phái nào thì mới thực sự bảo vệ quyền lợi của người lao động”.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các thế lực thù địch lại luôn cổ súy, hô hào thành lập “công đoàn độc lập”? Và, người lao động có thực sụ cần đến một tổ chức độc lập như thế này hay không?
Các thế lực thù địch ra sức lôi kéo, kích động tạo ra các nhóm dư luận quan tâm tới vấn đề đời sống, việc làm của người lao động. Những kẻ cố gắng lợi dụng vấn đề này nhằm thành lập một nhóm hay tổ chức độc lập thì chắc chắn đó không phải vì mục tiêu quyền lợi của người lao động hay doanh nghiệp mà là vì một mục đích chính trị sâu xa, “phi lao động”, “phi việc làm”. Cho đến nay, chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý cho phép thành lập các tổ chức này (chưa có các nghị định, hướng dẫn của Chính phủ). Do đó, việc kêu gọi một tổ chức công đoàn thực sự độc lập để bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động là một thủ đoạn hết sức thâm độc của một số tổ chức phản động trá hình nhằm đánh tráo khái niệm “công đoàn độc lập”, từ đó hình thành lực lượng chính trị đối lập.
Vậy là đã rõ mưu đồ đen tối đằng sau việc ráo riết xúc tiến cho sự ra đời của cái gọi là “Tổ chức Công đoàn Độc lập” tại Việt Nam. Mưu đồ chống phá càng lộ rõ hơn khi chúng tìm cách thúc đẩy, hình thành các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn tại Việt Nam theo mô hình “Công đoàn Đoàn kết Ba Lan” của những năm 1980. Khi đó, sự xuất hiện của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan với vai trò là tổ chức liên hệp của các “công đoàn độc lập” trong xã hội Ba Lan đã dẫn dắt phong trào công nhân, làm mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan vào năm 1989.
Kinh tế thế giới ảm đạm, lạm phát tăng cao nên việc bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động đang là khó khăn chung của các nước trên thế giới chứ đâu chỉ riêng Việt Nam. Vậy nhưng, bất chấp cả thực tế khách quan ấy, các thế lực thù địch, không thiện chí với thể chế đã lu loa cho cả thế giới thấy rằng Công đoàn Việt Nam hiện nay “bỏ mặc, không còn quan tâm tới đấu tranh đòi quyền lợi, không đòi tăng lương cho người lao động mà chỉ quan tâm kết nạp đoàn viên công đoàn”. Trong khi đó lịch sử và thực tiễn đã chứng minh vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn đấu tranh, bảo vệ, đại diện cho lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động, và cũng đã chứng tỏ là một tổ chức chính trị – xã hội đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thời gian qua, Chính phủ, chính quyền địa phương và các cấp công đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tổ chức rất nhiều các hoạt động chăm lo cho người lao động. Biểu hiện sinh động nhất đó là hoạt động chăm lo “Tết sum vầy”, các khoản hỗ trợ của các tổ chức công đoàn cho tất cả những công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi việc làm do giảm đơn hàng, hỗ trợ nhà ở xã hội hóa. Hầu hết người lao động đều đã có những cái Tết ấm cúng, đầy đủ bên gia đình. Nhiều công nhân, người lao động đã được các cấp, các ngành hướng dẫn, chỉ dẫn những việc làm mới.
Có thể thấy, mọi hiện thực, giá trị cốt lõi mà Đảng, Nhà nước ta đã làm cho nhân dân đều bị xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng nên cũng dễ dàng nhận thấy dù mọi việc làm của chúng ta có đúng đắn và nỗ lực thì những kẻ bất mãn lưu vong vẫn ra sức phủ nhận. Mục đích là hạ thấp uy tín, kích động, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cần khẳng định rằng, việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động không chỉ là trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa luôn quan tâm, chăm lo, bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người lao động. Song song với đó, người lao động cũng cần nhận thức rõ doaanh nghiệp chính là môi trường làm việc, là nơi trả lương và bảo đảm đời sống cho chính bản thân mình nên phải có trách nhiệm cùng xây dựng để doanh nghiệp phát triển. Từ đó mới có nguồn lực để tăng lương, bảo đảm đời sống. Chính vì vậy, người lao động phải luôn hết sức tỉnh táo để không trở thành tay sai cho những cá nhân, tổ chức mang ý đồ thâm độc, đen tối, đe hèn chỉ dám núp bóng kêu gọi công nhân đình công, biểu tình đòi quyền lợi.
Vậy là lại thêm một lần nữa chiếc mặt nạ “tử tế” nhân danh người lao động cùng lớp vỏ bọc đội lốt “công đoàn độc lập” bị phơi bày. Bởi lẽ chưa có tổ chức độc lập nào trực tiếp đứng lên bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động mà chỉ nhằm vào mục đích chống phá tổ chức Công đoàn Việt Nam. Còn với tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ luôn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt, đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
HẢI ĐỖ (Đấu trường dân chủ)