Với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó vấn đề công bằng xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là mục tiêu đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển.
Thực tiễn thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và hiện thực hóa các chủ trương, chính sách nhằm khắc phục những mặt trái của nền kinh tế thị trường, bảo đảm công bằng xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vậy nhưng bất chấp những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong bảo đảm công bằng xã hội, các thế lực thù địch, phản động lại vẽ ra những bức tranh xám xịt, tung các luận điệu sai trái, xuyên tạc.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã phát tán nhiều thông tin xấu độc xuyên tạc vấn đề công bằng xã hội ở Việt Nam. Lợi dụng một bộ phận người dân gặp khó khăn trong đời sống xã hội như nhà ở, việc làm, lao động, thu nhập…, các đối tượng thổi phồng để bôi nhọ thể chế. Họ vu cáo rằng, chế độ độc đảng ở Việt Nam gây ra tồn tại bất công xã hội, người dân bị phân biệt, đối xử; chính quyền không quan tâm đến các đối tượng yếu thế; công bằng xã hội chỉ dành cho quan chức chứ không thuộc về “dân đen”…
Họ công kích việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội chỉ là khẩu hiệu suông, không có trong hiện thực; đồng thời ca ngợi thể chế chính trị ở phương Tây, cho rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có công bằng xã hội, mới là đích đến còn CNXH “chỉ là hư ảo, lừa mị dân”. Các đối tượng suy diễn, ngụy biện xảo trá rằng, do chế độ “độc tài”, “toàn trị” nên xã hội không có quyền bình đẳng, người dân không có quyền đòi hỏi, chỉ biết chấp nhận “an phận”. Từ đó, các đối tượng kích động trên mạng xã hội, kêu gọi người dân muốn có cơm no, áo ấm, muốn có công bằng, dân chủ, văn minh thì phải đấu tranh để thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phải “xoá bỏ độc tài”… Trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, các luận điệu công kích, xuyên tạc trên lại tái diễn với nhiều phương thức truyền bá khác nhau.
Không khó để nhận ra âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm kích động tâm lý hoài nghi, lung lay niềm tin về con đường đi lên CNXH, nhất là đối với giới trẻ. Từ đó, họ hướng tới phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc; làm suy giảm ý chí đồng lòng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hướng tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.
Công bằng xã hội – mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam
Ở nước ta, thực chất của bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội là giải quyết hài hòa giữa phát triển đất nước với thực hiện chính sách xã hội, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của con người, trên tinh thần tất cả vì con người. Trong đó, phát triển kinh tế thị trường dù theo mô hình CNXH hay chủ nghĩa tư bản đều tồn tại khuyết tật bẩm sinh là cạnh tranh, bất bình đẳng xã hội. Vì vậy, điều quan trọng là các quốc gia làm thế nào khắc phục hiệu quả nhất những tồn tại của khuyết tật bẩm sinh vốn có của nền kinh tế thị trường.
Xuyên suốt sự nghiệp cách mạng, nhất là từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng, Nhà nước Việt Nam đều chủ trương, nhất quán thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Đại hội X của Đảng xác định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”. Đến Đại hội lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữ ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…”. Đồng thời, “Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển”.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường”.
CNXH ở nước ta hướng tới mục tiêu công bằng xã hội khác hoàn toàn về chất so với các nước tư bản chủ nghĩa. Công bằng xã hội ở nước ta trước hết nhân dân là chủ, là chủ thể nắm giữ tư liệu sản xuất, không giống như các nước tư bản “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội… Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra.
Như vậy, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền chặt chẽ với tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò là điều kiện, tiền đề thiết yếu để thực hiện công bằng xã hội và ngược lại, công bằng xã hội chính là động lực cho sự phát triển kinh tế. Công bằng xã hội không chỉ bảo đảm sự phân phối thu nhập hợp lý mà còn bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận cơ hội và quyền lợi cho mọi tầng lớp nhân dân.
Những con số sinh động
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng là luôn thực hiện công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước phát triển. Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện được nhiều chính sách xã hội như chính sách an sinh xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo… để mọi người dân đều được thụ hưởng, đó chính là thực hiện công bằng xã hội cho mọi người dân. Thực tế cho thấy, công tác đảm bảo an sinh xã hội tương đối toàn diện, hiệu quả, điển hình là chính sách xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu nổi bật. Tỉ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội tăng dần trong các năm qua, từ 2,85% GDP năm 2005 lên 4,14% GDP năm 2010 và 4,67% GDP năm 2011 và khoảng 6,7% GDP năm 2021. Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh (năm 2020, đạt 3.512 USD), tăng hơn 31,5 lần trong vòng hơn ba thập niên. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh, từ 70,5 (năm 1990) lên 75,4 (năm 2019), cao nhất trong các quốc gia nằm trong khu vực có mức thu nhập tương đương.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Từ một trong những quốc gia nghèo, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD những năm 90 thế kỷ XX, đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.900 USD. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người mỗi năm là 4.284 USD, tăng 6,2% so với năm 2022. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo, từ 60% dân số nghèo đói (năm 1990) đến năm 2022, tỷ lệ nghèo chỉ còn 2,23%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 – 5%.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho người lao động, bằng chính sách hỗ trợ việc làm, hỗ trợ người thất nghiệp. Trong đại dịch COVID-19, các đối tượng yếu thế luôn được Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng, hơn 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được chi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho mọi tầng lớp nhân dân cũng được chú trọng, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 60,9% dân số (2010) lên 90,7% dân số (2020), cơ bản bao phủ toàn dân. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp BHYT miễn phí. Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) phát triển mạnh mẽ. Trong đó, năm 2017: 0,687; năm 2018: 0,700; năm 2019: 0,703 và năm 2020: 0,702. Việt Nam từ nhóm trung bình lên nhóm cao.
Các đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm. Trong năm 2023, 100% số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng; 100% số người dân bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói được trợ giúp kịp thời, không để ai bị đói; 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% số xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng; hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc. Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.
Như vậy, hệ thống chính sách xã hội được thực hiện về cơ bản đã bảo đảm được tính công bằng, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thực tiễn luôn có các tồn tại, khiếm khuyết và sự bất bình đẳng, bất công vẫn xảy ra trong đời sống, ở một số lĩnh vực và đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng, bất công đó là do một số cá nhân, cấp lãnh đạo thực hiện chưa đúng hoặc vì các động cơ khác nhau chứ không phải nguyên do chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Điều quan trọng là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh những cá nhân, tổ chức để xảy ra các hiện tượng tiêu cực nhằm thực hiện công bằng xã hội được đầy đủ, đúng nghĩa.
Do đó, người dân cần tỉnh táo nhận diện, đấu tranh với chiêu trò chống phá, xuyên tạc của các thế lực xấu; đoàn kết đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Chu Thắng (CAND)