Tuesday, December 3, 2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân. Cuộc đời của Tổng Bí thư vốn đã đầy ắp những sự kiện, nhưng càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng những dấu ấn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Trải qua gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nhiều bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đề cập việc cần phải quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, qua đó trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tiếp đó, trong những năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ thành phố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô thời kỳ mới. Những chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy Hà Nội ban hành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng luôn sâu sát thực tiễn, luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (2011), đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều cống hiến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong việc đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, chỉ trong 10 năm (2011-2021), đã có nhiều nghị quyết, quy định quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được ban hành; trong đó tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…

Trong các nghị quyết, quy định trên, cùng với việc nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã chỉ rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và những yêu cầu cấp bách đặt ra trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn khi nhiễm phải những luận điệu sai trái, những biện pháp dụ dỗ, mua chuộc, kích động của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, các phần tử bất mãn.

Hơn nữa, với quyết tâm chính trị và với tư duy biện chứng, tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của Đảng, vào sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta.

Điều cần nhấn mạnh, một nội dung quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm là vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do đó, trong hầu hết các bài phát biểu, bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải “thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta”. Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên chỉ đạo phải động viên nhân dân tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng; tham gia kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức Đảng; giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên và tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Ngày 22-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của ĐảngQuang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: Viết Thành

Theo Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị… Khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc này trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải luôn: Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Có thể nói, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn thấu triệt sâu sắc tư tưởng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng, hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận rõ tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch, để chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của ĐảngTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: Viết Thành

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sáng 12-6-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, trước hết là các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

3. Không chỉ là nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc, luôn chỉ đạo sâu sát, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều bài viết, nhiều công trình xuất sắc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, một trong số đó là cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022).

Trong cuốn sách này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ vạch ra những âm mưu, thủ đoạn chống phá các thế lực thù địch sử dụng mà còn nêu ra những biện pháp, lực lượng tham gia để đấu tranh có hiệu quả chống lại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chúng nhằm hạ thấp, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phương châm Tổng Bí thư đưa ra là chúng ta phải trực diện đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái, thù địch. Đồng chí khẳng định phải “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”; “Chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phản động của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước…”.

Như vậy, phương châm đấu tranh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra là kiên quyết, thường xuyên, chủ động. Kẻ địch chống phá chúng ta thường xuyên, liên tục theo kiểu mưa dầm thấm lâu thì chúng ta cũng phải đấu tranh bền bỉ. Cuộc đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phải kiên quyết, không khoan nhượng; đồng thời, phải chủ động nắm rõ, thậm chí dự báo được những âm mưu, thủ đoạn của chúng để có những biện pháp hiệu quả, phù hợp, không để bị động, bất ngờ.

Đồng thời, Tổng Bí thư chỉ đạo một số biện pháp đấu tranh có hiệu quả chống âm mưu, thủ đoạn của chúng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết là công tác tuyên truyền. Về tuyên truyền, Tổng Bí thư cho rằng các cơ quan đều phải tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền. Các tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của mình lựa chọn nội dung, hình thức, đối tượng tuyên truyền phù hợp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tuyên truyền cho các hội viên, trước hết, từ chức năng của Mặt trận tập trung tuyên truyền về âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Theo đó, “Mặt trận phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch, sử, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Các tổ chức trong quân đội tuyên truyền trong toàn quân về âm mưu, thủ đoạn đòi phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch. Về vấn đề này, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn quân cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để bộ đội thấy rõ sự nguy hiểm của âm mưu chia rẽ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phi chính trị hoá quân đội”.

Đối với lực lượng công an phải có nhiệm vụ “vạch trần những âm mưu và hành động lợi dụng một số vụ án, vụ việc tiêu cực để làm tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, tuyên truyền ở đây có cả tuyên truyền về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của đất nước và cả tuyên truyền về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên các mặt để toàn dân, toàn quân đều biết và nhận thức rõ.

Cùng với tuyên truyền, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, biện pháp có hiệu quả nhất để đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nâng cao hiệu quả trong thực tiễn. Bởi thực tiễn chính là minh chứng có sức thuyết phục nhất về sự đúng đắn trong đường lối của Đảng, về việc Đảng là một Đảng vì dân, vì nước, đập tan mọi xuyên tạc nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư lấy ví dụ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chính là lời phản bác đanh thép nhất trước những luận điệu lợi dụng tham nhũng để chống phá của các thế lực thù địch: “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.

Ngày 23-2-2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp, nhấn mạnh: Việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV, đặc biệt là Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần quán triệt sâu sắc và thống nhất cao một số vấn đề về phương châm, phương pháp tư tưởng, hệ quan điểm chỉ đạo và cách làm, trong đó phải kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cốt lõi của hệ quan điểm này là kết hợp một cách khoa học giữa nền tảng tư tưởng, mục tiêu lý tưởng, đường lối của Đảng với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, tuân theo quy luật khách quan. Điều đó cũng có nghĩa là kiên định phải đi đôi với đổi mới nhưng là sự đổi mới có nguyên tắc, không tuỳ tiện, nóng vội. Chỉ đạo này của Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh tới vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với tất thảy những gì để lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là người đi đầu trong cuộc đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, trực tiếp góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka Dr. G. Weerasinghe trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Á ngày 20-7-2024, nhấn mạnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự lãnh đạo của Đảng, là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển thắng lợi của đất nước, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn Đảng.

Những đóng góp, cống hiến của Tổng Bí thư đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ còn mãi, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho Đảng ta trong đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, để Đảng ta thực sự là “ĐẠO ĐỨC”, là “VĂN MINH” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời!

TS Lê Xuân Dũng – Trường Sĩ quan Lục quân 1

Theo  Hà Nội mới

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG