Vừa qua trên trang face book “Tổ chức phản động Việt Tân” có đăng tải nội dung: Võ Văn Thưởng thoát danh sách 44 lãnh đạo “bị lấy phiếu tín nhiệm”. Phe củi, phe lò nó phải khác nhau chứ. Thực chất đây là bài viết mang ý đồ xuyên tạc, hòng “đánh lừa” những người nhẹ dạ cả tin, hiểu biết chưa rõ về hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV lần này; kích động, định hướng dư luận rằng Đảng ta chia bè kéo phái, đồng thời cố tình câu view, giật tít thông tin.
Trước hết, chúng ta cần hiểu bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm cần thiết để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đồng thời góp phần đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Đây là công việc bình thường của Đảng nhằm thu thập thông tin, nhận định, đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực và chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên cấp cao của Đảng luôn được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội. Lợi dụng sự quan tâm của dư luận trong nước, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội của “tổ chức Việt Tân” trắng trợn xuyên tạc rằng việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng chỉ là cách để che mắt, đánh lừa dư luận về dân chủ trong Đảng; Thậm chí còn rêu rao bỏ phiếu chỉ là cuộc thanh trừ phe phái trong Đảng “phe củi, phe lò”. Với mưu đồ xuyên tạc chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam về tăng cường và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát của quốc hội, Hội đồng nhân dân và các chức danh do mình bầu ra.
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 3 Điều 9 Nội quy kỳ họp Quốc hội, ngày 30/6/2023, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Căn cứ tại Điều 4 Quy định 96-QĐ/TW năm 2023 quy định thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Cụ thể, đối với nhiệm kỳ 2021-2026 thì năm 2023 là năm lấy phiếu tín nhiệm đối với:
– Các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
– Các chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu.
– Các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.
Đồng thời căn cứ tại Điều 3 Quy định 96-QĐ/TW năm 2023 quy định rõ đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm là “Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm”.
Như vậy, theo quy định thì năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ 2021 -2026 sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và 4 đồng chí khác đều được Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023. Vì thế, đối với những chức danh này thì sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.
Trên đây là những luận giải rõ ràng vì sao trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV lần này không bỏ phiếu tín nhiệm đối với đồng chí Võ Văn Thưởng và 4 đồng chí khác. Chứ không phải lý do Đảng ta chia bè, kéo phái như tổ chức Việt Tân rêu rao là “Phe củi, phe lò” để không phải bỏ phiếu tín nhiệm . Mỗi chúng ta cần cảnh giác trước những tin, bài viết như trên; luôn giữ vững lập trường chính trị, tin tưởng tuyệt đối và sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải tích cực nghiên cứu học tập nâng cao nhận thức, không ngộ nhận, mắc mưu các thế lực phản động, thù địch.
THÂN. NGUYỄN
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: