Mới đây trên trang Facebook của Việt Tân có đăng bài viết nhằm vu cáo Nhà nước Việt Nam không cho phép người dân “tự do ngôn luận”. Vậy thực hư câu chuyện “độc tài báo chí” mà Việt Tân muốn đề cập đến như thế nào? Và cần hiểu thế nào cho đúng với khái niệm “tự do báo chí”?
Thực tế, chiêu trò vu cáo “Việt Nam độc tài báo chí” không phải là chiêu trò gì mới mẻ mà Việt Tân cũng như các tổ chức phản động khác thường dùng để chống phá Nhà nước ta, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu đúng về vấn đề “tự do báo chí” và thường dễ bị định hướng sai khi gặp phải vấn đề này.
Trước hết, cần phải hiểu quyền tự do ngôn luận, báo chí trong các công ước quốc tế và trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam được quy định như thế nào? Trong các văn kiện quan trọng nhất về Quyền con người, trong đó có “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” năm 1966, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đều được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, những quyền này không phải là quyền tuyệt đối mà là một quyền bị hạn chế. Khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 ghi: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc hưởng thụ quyền này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định (những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật) để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội. Trong Hiến pháp Việt Nam 2013, quyền tự do ngôn luận, báo chí đã được quy định tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Như vậy, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận là một trong những nội dung được ghi rất cụ thể, rõ ràng chứ không hề bị giấu nhẹm, bị che mờ như Việt Tân nói.
Thứ hai, thực tiễn phát triển của Báo chí Việt Nam hiện nay vô cùng mạnh mẽ. Theo thống kê trong Sách trắng CNTT và Truyền thông năm 2021 của Bộ Thông tin và truyền thông (trang 49-52), Việt Nam có hơn 779 cơ quan báo chí, trong đó có 184 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 72 đài phát thanh, truyền hình các cấp. Không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Hiện ở Việt Nam có tới 57 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg…Có 33 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi (theo Báo cáo tổng kết năm 2017 của Trung tâm Hướng dẫn Báo chí Nước ngoài – Bộ Ngoại giao). Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times… Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn khuyến khích báo giới tham gia trận chiến chống tham nhũng và hơn nữa còn xem đây là một lực lượng chống tham nhũng có hiệu quả cao. Nhiều vụ việc tham nhũng, do giới báo chí phát hiện và Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu điều tra, xử lý. Chẳng hạn vụ Trịnh Xuân Thanh mở đầu từ thông tin báo chí mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu cấp ủy và cơ quan chức năng của Nhà nước vào cuộc. Sau đó, báo chí cũng đưa ra vấn đề tài sản “khủng” không rõ ràng về “nguồn gốc” của bà Thứ trưởng Bộ Công Thương đã dẫn đến các cơ quan chức năng và Bộ Công Thương phải tiến hành xác minh, xử lý.
Từ những vấn đề đã nêu ra ở trên, có thể thấy rằng việc tự do báo chí, tự do thông tin ở nước ta là vô cùng rõ ràng, không hề giống như nội dung mà Việt Tân rêu rao trong bài viết. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, tự do báo chí, tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do một cách tuỳ tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật. Nghĩa là tự do ngôn luận, tự do báo chí đều phải trên cơ sở thượng tôn Pháp luật, trong khuôn khổ những quy định của luật pháp Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều có chế tài, điều khoản luật xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tự do báo chí để vi phạm pháp luật. Nói cách khác, tự do báo chí, ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải gắn với chế độ chính trị, điều kiện xã hội, nền tảng đạo đức, pháp lý trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh cụ thể mà đưa ra những giới hạn nhất định đối với việc thực hiện tự do ngôn luận của công dân. Ở Việt Nam, những nội dung của Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều có những quy định cụ thể về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các đạo luật này còn có những quy định cụ thể về hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, về mặt pháp luật, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành khung pháp lý về quyền tự do ngôn luận đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Tất cả các tổ chức, cá nhân khi tham gia lĩnh vực báo chí đều phải thực hiện nghiêm theo các chế tài, quy định đó. Chỉ có những tổ chức, cá nhân không hiểu biết hoặc cố tình không hiểu như Việt Tân mới nhân danh cái gọi là “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” để cổ vũ cho thứ tự do báo chí không xây dựng trên nền tảng của sự trung thực và tôn trọng sự thật; một thứ “tự do báo chí” vô nguyên tắc, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật. Bởi vì mục đích của chúng là lôi kéo, kích động những người thiếu hiểu biết nhằm chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước ta để phục vụ cho mưu mô xấu xa, đê hèn của chúng. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đi ngược lại lợi ích Quốc gia, dân tộc, vi phạm các quy định của Pháp luật đều phải bị xử lý một cách đích đáng theo luật định. Nhiệm vụ của mỗi chúng ta khi tiếp cận các nguồn thông tin là phải luôn luôn tỉnh táo, có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề, tránh để bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động, để đập tan mọi âm mưu chống phá của chúng, giữ gìn sự yên bình, ổn định cho đất nước phát triển.
DƯƠNG. TRẦN
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: