Hôm qua (26.12), Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC).
Trong số này, bị can Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, cùng nhiều người khác nguyên là lãnh đạo PVN bị truy tố về tội cố ý làm trái. Có 8 bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC cùng bị truy tố về cả hai tội danh.
Theo cáo trạng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị kinh tế quan trọng, được nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, vì những động cơ khác nhau, các bị can đã cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho nhà nước, thậm chí một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống, rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.
Cáo trạng xác định bị can Đinh La Thăng là người có vai trò chính trong vụ sai phạm xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Thăng bị cáo buộc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, cũng như chỉ đạo cấp dưới ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Qua đó, PVN đã cho PVC tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng. Trong số tiền này, PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỉ đồng. Cáo trạng truy tố bị can Thăng theo khoản 3, điều 165 bộ luật Hình sự quy định tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù giam.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng tiền, sau đó sử dụng trái mục đích. Bị can Thanh còn đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC, lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được chia 4 tỉ đồng…
Kê biên nhiều tài sản của Trịnh Xuân Thanh
Cơ quan tố tụng cho biết trong quá trình điều tra vụ án đã kê biên 2 biệt thự của gia đình Trịnh Xuân Thanh, gồm 1 ở Hà Nội và 1 ở Nha Trang (Khánh Hòa), 1 ô tô 5 chỗ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ký văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài kiểm tra, rà soát, phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh cùng các con.
Thái Sơn